Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến tuần giao dịch khá sôi động khi dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, nhưng đều không ở lại lâu. Trong tuần giao dịch mới, liệu có nhóm cổ phiếu nào đủ hấp dẫn để níu chân dòng tiền ở lại lâu hơn? Cùng nhà báo Hải Vân tìm cầu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này.
Hiện đang là thời điểm hai quỹ ETF thực hiện review danh mục đầu tiên trong năm 2015. Ngày 6/3, Quỹ FTSE Vietnam UCITS ETF đã công bố danh mục mới với việc loại 3 cổ phiếu khỏi danh mục và không thêm cổ phiếu nào. Việc này sẽ tác động như thế nào đến thị trường và nhóm cổ phiếu bị loại, theo ông?
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS trả lời phỏng vấn.
Theo quan sát của chúng tôi, dòng vốn ngoại trong thời điểm đầu năm nay mặc dù trở lại thị trường chậm khoảng 1,5 tháng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng khá lạc quan. Trong đó, tổng lượng mua ròng tính từ đầu năm 2015 đến nay đạt 1.206 tỷ đồng đã hỗ trợ khá tốt cho dòng tiền và điểm số của thị trường nhất là trong bối cảnh dòng tiền nội yếu.
Riêng về quỹ VNM ETF, theo thống kê của chúng tôi kể từ đầu năm 2015, quỹ này huy động được 53,33 triệu USD (trong đó tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam chiếm 70% danh mục quỹ). Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của quỹ này tại thị trừng Việt Nam.
Trong kỳ review hiện tại, FTSE Vietnam công bố loại 3 mã HSG, CSM và OGC điều này sẽ có thể tạo lượng cung ngắn hạn đối với những cổ phiếu này với lượng giảm khoảng 3,5 triệu cổ phiếu HSG, 2,66 triệu cổ phiếu CSM và 4,86 triệu cổ phiếu OGC.
Với VNM ETF, chúng tôi dự đoán quỹ này sẽ loại DRC trong lần cơ cấu này, tương ứng bán ra khoảng 1,53 triệu cổ phiếu này và lịch công bố sẽ vào ngày 13/3 sắp tới.
Nhìn chung đợt cơ cấu này gần như đã nằm trong dự đoán và do đó, tôi không cho rằng sẽ có tác động nào lớn với thị trường. Việc dòng vốn đầu năm của các quỹ ETF vào thị trường Việt Nam nhìn chung vẫn tích cực nhất là khi FED vẫn chưa tăng lãi suất do đó dòng vốn ngoại mà đặc biệt là dòng vốn ETF sẽ hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.
Thường thì TTCK có phản ứng rất nhanh đến các chính sách vĩ mô liên quan, đặc biệt là thông tin lãi suất. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lãi suất tại Việt Nam còn nhiều dư địa để giảm trong thời gian tới, quan điểm của ông?
Lạm phát năm 2015 dự kiến sẽ tiếp tục giảm và duy trì thấp, trong đó, lạm phát theo tháng đang giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Điều đó củng cố khả năng lãi suất còn có thể giảm thêm trong năm nay, nhất là trong bối cảnh chung nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang nới lỏng tiền tệ. Do đó, tôi cho rằng, khả năng dòng vốn tín dụng sẽ khơi thông trong năm nay phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13-15%. Điều này sẽ gián tiếp tác động tích cực tới thị trường chứng khoán nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Trong đó, các gói tín dụng cho bất động sản khả năng sẽ tiếp tục được tháo gỡ và đẩy mạnh giải ngân trong năm nay như:
- Thông tư 32/TT-NHNN có hiệu lực từ 25/11/2014 đã nới lỏng điều kiện được vay vốn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội.
- Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho nhà ở thương mại đang trong quá trình dự thảo với lãi suất cho vay ổn định 7%/năm và thời hạn cho vay 10 năm.
Theo chu kỳ vài năm trở lại đây thì tháng 3 là thời điểm thị trường có những diễn biến tích cực do có khá nhiều thông tin kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp niêm yết. Thị trường trong tuần tới (9/3 đến 13/3) sẽ theo xu hướng nào?
Động lực chính cho đợt hồi phục trong tháng 2 và tháng 3 chủ yếu vẫn đến từ giao dịch của khối ngoại khi thị trường được hỗ trợ bởi lực mua ròng 15 phiên liên tiếp kể từ 5/2/2015. Trong đó, sức mua của khối này tập trung vào các bluechip lớn có tác động mạnh tới xu thế thị trường chung như CTB, VCB, BID, MGW, BVH, VIC, STB, KBC… khiến các chỉ số được hỗ trợ tích cực.
Tuy nhiên, có một thực tế là thị trường đang gặp khó khăn trong việc vượt vùng kháng cự 600 điểm, mà nguyên nhân chính là sự hạn chế của dòng tiền, sức cầu nội suy giảm đáng kể do margin bị thắt chặt và do đó lực tăng của thị trường lại phụ thuộc chủ yếu vào lực cầu của khối ngoại.
Các giai đoạn tiệm cận kháng cự 600 điểm thì áp lực bán gia tăng mạnh, trong khi cầu nội vẫn khá hạn chế và do đó, thị trường thể hiện rõ trạng thái suy yếu mỗi khi gặp ngưỡng kháng cự trên. Nói cách khác, tuần qua thị trường thực sự chưa đủ sức mạnh để vượt qua ngưỡng cản ngắn hạn. Thị trường đang tạo vùng sideway quanh ngưỡng 583 - 593 và khả năng sẽ tiếp tục xu hướng này trong tuần tới.
Trong tuần qua, dòng tiền đã có sự phân hóa nhất định và vẫn xoay vòng ở các nhóm cổ phiếu như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… Nếu ở góc độ đầu tư, nhóm cổ phiếu nào là đáng lưu tâm, đặc biệt là trong ngắn hạn theo quan niệm của ông?
Dòng tiền trong tuần qua xoay vòng rất nhanh qua các nhóm như Sông Đà, bất động sản, xây dụng hạ tầng, dầu khí, sản xuất điện…, nhưng không duy trì tại một nhóm nào lâu. Điều đó cho thấy tính đầu cơ ngắn hạn của thị trường cao, chứng tỏ nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng với thị trường ngắn hạn trước mốc kháng cự 600 điểm.
Trong tuần tới, tôi cho rằng, dòng tiền sẽ tạm xa rời dòng bluechips mà tập trung vào nhóm cổ phiếu midcap và penny (dưới mệnh giá) có thông tin hỗ trợ hoặc chuyển biến tốt về hoạt động kinh doanh như NT2, HT1, BCC, KBC, DXG, TTF, ITD, TIG… Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu được NĐT nước ngoài mua ròng cũng sẽ hút dòng tiền như: CTG, BID, HBC…
Theo ĐTCK