Trong cuộc trao đổi bàn tròn với nhà báo Hải Vân tuần này, các chuyên gia chứng khoán đều nhận định, dòng tiền sẽ tiếp tục tích cực chảy vào thị trường, nhưng nhà đầu tư nên thận trọng khi đợt tăng vừa qua khiến nhiều mã đã khá “căng” và nhiều khả năng những mã này sẽ bị bán ra khi tin tốt chính thức được công bố.
Thị trường vẫn đang giao dịch trong tư thế giằng co là chủ yếu. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện thị trường thiếu những thông tin hỗ trợ và tình hình biển Đông nếu vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống thì dòng tiền đầu tư còn dè dặt. Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS
Diễn biến trong 2 tuần trở lại đây có thể thấy rất rõ các cổ phiếu vốn hóa lớn (GAS, MSN, BVH, VIC...) có tín hiệu tăng giá mạnh, đặc biệt là GAS và VNM do đó tác động của nhóm này tới mức tăng chỉ số là rất rõ nét. Trong đó, ngoại trừ các cổ phiếu có dự phóng KQKD quý II khả quan như (SSI, PVS, HPG, FPT, PGS...), thì đại đa số các cổ phiếu khác đều giao dịch lình xình đi ngang hoặc tăng/giảm nhẹ. Trong đó, diễn biến tăng giá của GAS và VNM trong hai phiên cuối tuần đã có sức ảnh hướng rất lớn đến chỉ số, kéo VN-INDEX dễ dàng vượt vùng kháng cự mạnh 580-585 điểm.
Diễn viến này đã tạo được sức lan tỏa nâng đỡ tâm lý và giao dịch được đẩy lên khá tốt với thanh khoản duy trì ở mức khá và cao trên HOSE với khối lượng giao dịch đạt và duy trì trên 100 triệu đơn vị. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là áp lực chốt lời cũng diến ra khá rõ ràng tại nhiều mã cổ phiếu dẫn dắt mang tính thị trường cao như SSI, PGS, PXS, REE...Trong đó, những cổ phiếu có dự báo KQKD quý II tốt cũng đã có bước tăng giá khá tốt từ 10%-15% và phần lớn thông tin đã phản ánh vào giá, do đó biên tăng giá của các cổ phiếu này khả năng sẽ chững lại trong tuần tới và cùng không loại trừ khả năng diễn ra hiện tượng "tin ra là bán" khi KQKD chính thức được công bố.
Hiện tại, kỳ vọng về thông tin KQKD tốt của một số mã cổ phiếu trụ cột là điểm tựa tâm lý cho NĐT trong giai đoạn này và cũng là yếu tố kéo dòng tiền trở lại khá mạnh trong tuần qua. Tuy nhiên, dòng tiền chốt lời chủ động đang diễn ra rất rõ nét, do đó tôi cho rằng, thị trường có thể yếu dần trong tuần mới khi nhiều cổ phiếu đã khá "căng" và xuất hiện điều chỉnh sớm vào phiên cuối tuần vừa qua.
Chỉ số PMI tháng 6 của ngành sản xuất tiếp tục duy trì ở mức cao là 52,3 điểm cho thấy hoạt động kinh doanh của các công ty trong ngành sản xuất tiếp tục cải thiện. Liệu đây có là cơ hội để các cổ phiếu ngành sản xuất trong thời gian tới?
Chỉ số PMI các ngành sản xuất cho chúng ta thấy một bức tranh tổng thể lạc quan về hoạt động sản xuất liên tục phục hồi trong 9 tháng liên tiếp trở lại đây. Điều đó cho thấy tác động của sự kiện Biển Đông trong thời gian qua không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất trong nước. Trong đó, tác động tích cực này không chỉ đối với các ngành sản xuất mà còn cho các lĩnh vực khác do các ngành trong nền kinh tế luôn có sự quan hệ chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên, khi nói đến hoạt động đầu tư, chúng ta cần xác định những cơ hội đầu tư vào các ngành nghề, doanh nghiệp cụ thể vì trong một lĩnh vực luôn có những doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và có những doanh nghiệp hoạt động kém đi dù tình trạng chung của ngành có thể là khả quan.
Tôi cho rằng, về nửa cuối của năm 2014 với lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, khả năng chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất giảm tiếp và quan trọng hơn là NHNN và Chính Phủ sẽ có biện pháp kích thích khơi thông dòng vốn đang ứ đọng tại hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng về nửa cuối năm và đưa dòng vốn rẻ đi vào hoạt động sản xuất hỗ trợ cho kinh tế hồi phục. Do đó, khả năng các ngành được ưu tiên vay vốn như công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng...có thể sớm phục hồi trở lại và kết quả này khả năng sẽ phản ánh vào hoạt động của các doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK.
Ông nhận định ra sao về TTCK trong tuần mới (7/7 đến 11/7)?
Thị trường đã có mức tăng điểm khá so với thời điểm đáy sau sự kiện biển Đông, do đó các yếu tố tích cực đã phản ánh đáng kể vào mặt bằng giá cổ phiếu, nên dư địa tăng của thị trường trong thời gian tới cũng sẽ không quá cao.
Tuần này, tôi cho rằng, thị trường đối mặt với áp lực điều chỉnh cao khi các tín hiệu tích tụ đang rất rõ ràng. Việc chỉ số VN-INDEX đang bị ảnh hưởng bởi nhóm vốn hóa lớn do đó sự phản ánh có phần chưa sát với xu thế chung. Tuy nhiên, thực tế thì các mã cổ phiếu được kỳ vọng có KQKD quý II tốt đã tăng một nhịp khá tốt và đã xuất hiện tín hiệu điều chỉnh giảm vào phiên cuối tuần vừa qua. Bên cạnh đó, chỉ số HNX-INDEX cũng đã có phiên giảm trở lại sau nhịp tăng 5 phiên liên tiếp đang củng cố cho diễn biến này.
Về xu hướng trung và dài hạn, tôi vẫn duy trì quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán trong thời gian tới do các yếu tố về kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn hỗ trợ cho đà tăng của thị trường.
Và thêm một câu hỏi quen thuộc của tuần, đâu là nhóm cổ nhà đầu tư cần lưu tâm?
Về xu hướng cổ phiếu trong tuần tới, khả năng thị trường sẽ diễn ra nhịp điều chỉnh và phân hóa mạnh ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã tăng trong thời gian qua như: nhóm dược phẩm, nhóm sản xuất xăm lốp, nhóm chứng khoán, nhóm hàng tiêu dùng. Trong đó, tôi nhận thấy dòng tiền đang xoay vòng và tập trung vào các cổ phiếu bất động sản (SJS, SCR, HQC, DXG, ITC, UDC...), xây dựng (SD9, VCG, SDT...), nguyên vật liệu (HPG, CVT...)... do đó, khả năng đây là nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trong tuần tới.
Theo ĐTCK