Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược CTCK MB (MBS) trả lời phỏng vấn.
Dòng tiền đầu cơ vẫn ít nhiều ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục các quỹ ETFs. Theo ông, thông tin về quỹ FTSE ETF tái cơ cấu và VNM ETFs thông báo rổ tính mới có tác động nhiều đến thị trường không? Liệu thị trường có sóng ETFs không?
Trong các lần Review gần đây của 2 quỹ ETF, thị trường gần như không có nhiều biến động và ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu danh mục mang tính định kỳ này.
Tại thời điểm hiện nay, do nắm rõ nguyên tắc tính toán của cả 2 quỹ, nên các CTCK cũng đã đưa ra các dự báo khá sớm, nhưng tôi nhận thấy, việc mua theo các dự báo này trong thời gian qua không đem lại nhiều hiệu quả.
Tuần trước, FTSE Việt Nam cũng công bố đưa HVG vào danh mục và loại PET ra, tuy nhiên về diễn biến giá lại có phần trái ngược khi tuần này, PET có xu hướng tăng giá còn HVG lại lình xình giảm nhẹ.
VNM ETF cũng đã thông báo danh mục review trong quý II và đúng như dự đoán của chúng tôi, quỹ này không không thêm mới hay loại bỏ cổ phiếu nào và tăng tỷ trọng các cổ phiếu tại Việt Nam lên 70% tương ứng mua vào khoảng 22,8 triệu USD (khoảng 484,4 tỷ đồng). Trong đó, tỷ trọng của STB trong danh mục đã tăng tương ứng lên 8% như dự báo của chúng tôi. Như vậy, VNM ETF sẽ mua thêm 3,53%, tương ứng mua vào khoảng 18,8 triệu USD (khoảng 399,5 tỷ đồng - theo tỷ giá niêm yết là 21.245) với khối lượng cần mua thêm là 19,39 triệu đơn vị. Do đó, khả năng sẽ ảnh hưởng đến giá của STB trong ngắn hạn.
Vậy ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường trong tuần tới (16/6 đến 20/6)?
Tôi nghĩ nhà đầu tư không nên lạc quan đối với diễn biến thị trường trong tuần tới, bởi tín hiệu điều chỉnh có thể sắp diễn ra trong vùng kháng cự mạnh 585 +/-.
Về cơ bản, giai đoạn này điểm số của VN-Index được kéo tăng mạnh và vượt các mốc kháng cự kỹ thuật chủ yếu nhờ GAS và một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, MSN, BVH...
Diễn biến chững lại của nhóm vốn hóa lớn trong phiên cuối tuần qua cho thấy, khả năng thị trường sẽ khó tăng mạnh, vượt qua được các ngưỡng cản trong vùng 570-580 điểm. Thanh khoản phiên hôm nay cũng chỉ ở mức trung bình cho thấy dòng tiền vẫn đang khá thận trọng nhất là khi đợt hồi phục vừa qua đã kéo nhiều cổ phiếu tăng mạnh trở lại khiến mức giá không còn quá hấp dẫn.
Theo lý thuyết sóng Elliot, tính từ chân sóng từ tháng 10/2013, VN-Index đã tạo xong mô hình 5 sóng tăng và đang trong giai đoạn của các sóng hiệu chỉnh. Căn cứ vào mẫu hình sóng, giai đoạn này tương ứng với đoạn cuối của sóng hồi B và chuẩn bị chuyển sang sóng điều chỉnh C có thể kéo dài từ 2 – 4 tuần. Do đó, chúng tôi cho rằng, đỉnh sóng B có thể rơi trong khoảng từ 565- 585 điểm và sau đó VN-Index sẽ giảm trở lại.
Theo tôi, xu hướng tuần tới khả năng tăng có thể tiếp tục được duy trì, nhưng lực tăng yếu dần và có thể có phiên điều chỉnh giảm trở lại do gặp các ngưỡng cản mạnh.
Theo ĐTCK