Quay lại

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bị chốt lời khá mạnh trong những phiên cuối tuần qua và dòng tiền chuyển hướng sang nhóm bất động sản, cổ phiếu đầu cơ, tuy nhiên, trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ trở lại dẫn dắt thị trường tuần tới, còn nhóm bất động sản phải chờ tới đầu tháng 2 mới có sóng.

Sau sóng ngân hàng, dòng tiền đang chảy mạnh vào các mã có tính đầu cơ? Liệu nhóm cổ phiếu này có tiếp tục chiếm ưu thế trong tuần tới, theo ông?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán, CTCK MB (MBS) trả lời phỏng vẩn.

Các cổ phiếu ngân hàng đã có dấu hiệu điều chỉnh trong tuần vừa qua, thay thế vào đó là cổ phiếu bất động sản và các mã đầu cơ có dấu hiệu trỗi dậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sang tuần tới, sau khoảng 1 - 1,5 phiên điều chỉnh đầu tuần, thì các cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trở lại và dẫn dắt thị trường tăng hết tháng 1, còn dòng cổ phiếu bất động sản sẽ hơi chững lại một chút.

Nguyên nhân ở đây hoàn toàn là yếu tố kỹ thuật, vì moment tăng của các cổ phiếu ngân hàng vẫn còn khi trong những phiên vừa qua khối lượng khớp lệnh của các cổ phiếu ngân hàng trong các phiên giảm điểm vẫn thấp cho thấy, dòng tiền chưa rút ra khỏi các cổ phiếu này và theo phân tích kỹ thuật của chúng tôi thì nhóm này sẽ tăng trở lại vào cuối tuần sau. Nhưng tôi cho rằng, trong Uptrend trung hạn lần này thì từ đầu tháng 2 trở đi, nhóm cổ phiếu bất động sản và vật liệu xây dựng mới là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường thực sự, vì chúng được hậu thuẫn bởi kết quả kinh doanh tốt trong quý IV.

Thị trường đã có thời gian phản ứng tiêu cực với Thông tư 36 và các chuyên gia cũng đã phân tích khá nhiều về tác động của thông tư này đối với thị trường về khả năng giãn hoặc không dãn thời gian áp dụng. Đến thời điểm này cho thấy, khả năng giãn là rất ít. Theo ông, thị trường sẽ bị tác động ra sao sau thời điểm 2/1 tới?

Trong các nhận định của chúng tôi trong thời gian vừa qua đều nhất quán cho rằng, thị trường đã phản ánh trước Thông tư 36 từ cuối 2014, khi đó mặt bằng dư nợ margin tại các CTCK đều đã giảm 25 - 30%, về một tỷ lệ khá an toàn trên toàn thị trường. Vì vậy, áp lực đối với thị trường trong tháng 2 tới về dư nợ margin do áp dụng Thông tư 36 là không còn lớn.

Hơn nữa, hiện nay rất nhiều CTCK lớn đã có phương án về vốn để cung cấp margin cho khách hàng của họ như tăng vốn, phát hành trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi. Ví dụ như MBS, chúng tôi đã có phương án nguồn vốn khả thi cho việc tăng trưởng dư nợ Margin gấp đôi so với 2014.

Khối ngoại và tự doanh của CTCK đã có nhiều phiên mua ròng trong thời gian qua và góp phần nâng đỡ thị trường, ông nhận định như thế nào về dòng vốn ngoại trong thời gian tới?

Tôi dự báo, khối tự doanh tại các CTCK và khối ngoại sẽ có xu thế mua mạnh trong 4 tháng đầu năm 2015. Bởi vì, nhờ có đợt sụt giảm cuối năm 2014 mà nhiều cổ phiếu đã giảm về một mức giá rất hấp dẫn, trong khi đó kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản lại rất tốt trong quý IV/2014 và có xu hướng tốt hơn trong cả 2015.

Với mặt bằng PE toàn thị trường hiện nay ở mức 13.5 thì thị trường Việt Nam đang hấp dẫn nhất trong khu vực.

Theo ĐTCK

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang