Dòng vốn ngoại sẽ hoạt động như thế nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau tuần mua ròng mạnh mẽ vừa qua? Nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, bất động sản có tiếp tục là dòng dẫn dắt thị trường, hay sẽ bị chốt lời trong tuần mới?... Tất cả các câu hỏi này sẽ được các chuyên gia giải đáp trong cuộc trao đổi bàn tròn cuối tuần với nhà báo Hải Vân.
Khối ngoại mua ròng 6 phiên liên tiếp, cùng với sự hồi phục của giá dầu là những nhân tố quan trọng cho đợt tăng điểm của thị trường trong tuần qua. Liệu xu hướng này có tiếp diễn trong tuần tới (20/4 đến 24/4), theo ông?
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược, CTCK MB (MBS) trả lời phỏng vấn.
Tuần qua, chúng ta nhận thấy sự trở lại rất rõ nét của NĐT nước ngoài khi mua ròng 6 phiên liên tiếp với giá trị mua ròng đều đạt từ trên 100 - 300 tỷ đồng. Trong đó, theo quan sát của chúng tôi về xu hướng dòng vốn quốc tế, sau đợt rút ròng mạnh trong quý I/2015 ở nhiều thị trường Emerging market và Frontier market, NĐT nước ngoài đã tăng cường trở lại các thị trường này, đặc biêt tại các nước như Nga, Brazil, Ấn Độ…
Tại Việt Nam, qua theo dõi tính hiệu trở lại của quỹ VNM ETF có thể sẽ là một tín hiệu báo hiệu đợt mua ròng này có thể diễn ra từ 2 tuần đến 1 tháng tới. Trong đó, quỹ VNM ETF trong 3 phiên từ ngày 14/3-16/3 cũng đã huy động được 5,28 triệu USD, cùng với mức premium của quỹ là 2,8% tính đến cuối tuần qua cho thấy, khả năng hút vốn ròng có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Thị trường vẫn đang phụ thuộc vào động thái của khối nhà đầu tư ngoại. Chính vì vậy, biến động tỷ giá USD đang đặt ra lo ngại dòng vốn ngoại chảy từ các thị trường (trong đó có Việt Nam) về thị trường Mỹ. Liệu điều này có tác động lớn đến TTCK Việt Nam trong thời gian tới?
Biến động điều chỉnh tỷ giá trong năm nay theo dự phóng của chúng tôi nếu có, thì cũng sẽ không quá 3%, do đó về cơ bản điều đó không tác động quá lớn đến diễn biến chung của dòng tiền NĐT nước ngoài vào thị trường chứng khoán. Bởi thực tế trong những năm gần đây, việc Việt Nam có những đợt điều chỉnh tỷ giá, nhưng dòng tiền NĐT nước ngoài gần như không ảnh hưởng nhiều. Điều ảnh hưởng lớn nhất là xu hướng dòng vốn quốc tế, cũng như Việt Nam, tôi cho rằng, chủ yếu sẽ đến từ biến động của việc tăng lãi suất của Fed trong năm nay.
Nhóm cơ bản đang thu hút dòng tiền và giúp tạo hiệu ứng lan tỏa ra thị trường chung, trong đó cổ phiếu nhóm dầu khí, các cổ phiếu ngân hàng, tài chính tăng mạnh trong tuần. Trong tuần tới, tâm điểm của thị trường sẽ hướng vào nhóm cổ phiếu nào, theo cảm nhận của ông?
Trong tuần qua, chúng tôi nhận thấy, ngoài việc hồi phục của nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD, PVS, PVC…), dòng tiền đã có tín hiệu trở lại nhất là nhóm VN30 nhờ có thông tin tích cực về khả năng UBCK có thể ban hành nới room trong thời gian tới. Diễn biến này đã hỗ trợ khá tốt cho diến biến phục hồi của các cổ phiếu hết room như FPT, TCM, HSG, HCM, REE…có tín hiệu thu hút khá tốt lực cầu của thị trường khi kỳ vọng vào sóng “nới room” trong thời gian tới.
Tuần tới, khả năng sẽ tiếp tục phân hóa mạnh theo từng mã do đây là thời điểm của mùa ĐHCĐ và KQKD quý I, do đó các mã có kết quả kinh doanh khả quan và tỷ lệ chia cổ tức cao sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường.
Về phân lớp cổ phiếu, chúng tôi nhận thấy dòng tiền tập trung vào các nhóm cổ phiếu: (1) Dầu khí nhờ đà phục hồi của giá dầu; (2) Cổ phiếu hết room ngoại và nhóm cổ phiếu được NĐT nước ngoài mua ròng (PVD, HHS, VCB, BID, VIC…); Nhóm cổ phiếu trong các ngành tiềm năng phục hồi tốt trong năm nay như ngân hàng (CTG, BID, VCB…), bất động sản (DXG, KBC, SJS, HBC, ITA, ITC, KDH…), xây dựng hạ tầng (SD5, SD6, SD9, HUT, CII…), ô tô và phụ tùng (HTL, HHS, SVC, ST8, DRC, CSM…), thủy sản (VHC, SNC…) và một số cổ phiếu khác như BIC, CMG, SHI, FCM, VNE, DCS…
Theo ĐTCK