Thị trường đã có tuần lao dốc mạnh, nhất là phiên sáng cuối tuần, nhưng trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, thị trường sẽ ổn định tại vùng 540 và đây là vùng giải ngân rất tốt cho trung hạn, nhất là khi thời điểm chính thức áp dụng nới room sắp đến gần.
Phiên cuối tuần qua (21/8), VN-Index có lúc giảm tới 25 điểm, dù sau đó đã hãm dần về cuối phiên, nhưng đây mức giảm mạnh từ rất lâu mới xuất hiện. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)
Thị trường đang diễn ra đợt washout mạnh nhất trong thời gian qua. Áp lực bán tăng mạnh khiến chỉ trong phiên sáng 21/8 GTGD đã đặt 1.600 tỷ đồng trên HOSE và 281 tỷ đồng trên HNX.
Tất cả các thông tin xấu từ hệ thống ngân hàng, tỷ giá điều chỉnh mạnh, giá dầu giảm ảnh hưởng đến cổ phiếu dầu khí, vốn hóa lớn như GAS, PVD, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trở lại, áp lực force sell..., đã diễn ra đồng loạt trong ngắn hạn.
Việc NHNN tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ giao dịch từ +/-2% lên +/-3% đã ít nhiều ảnh hưởn tới TTCK trong những phiên cuối tuần qua. Theo ông, TTCK có chịu ảnh hưởng về quyết định này trong thời gian tới?
Sức ép giảm giá đang có xu hướng tăng lên kể từ đầu năm do USD tăng giá và gần đây là việc Trung Quốc phá giá mạnh mẽ.
Theo quan điểm của tôi, NHNN nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tỷ giá VND/USD thêm cỡ 1% nữa vào cuối năm nay, nhằm giảm sức ép này, song vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá một cách tương đối nhằm không gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, mức tăng tỷ giá hiện tại sẽ không tác động nhiều đến dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là khi TTCK Việt Nam đang có các chính sách hỗ trợ mạnh về thanh khoản và thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trước các hiệp định mới như TPP, FTA…
Có thể thấy, cơ hội kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này là khá khó khăn. Tuy nhiên, ở góc độ của những nhà nghiên cứu chuyên sâu về thị trường, theo ông, liệu đây có là cơ hội giải ngân đối với những cổ phiếu đã có mức chiết khấu lớn trong thời gian qua không?
Theo quan điểm của tôi, thị trường đã trải qua một nhịp giảm giá mạnh với mức chiết khấu giá đã khá lớn. Do đó, chúng tôi cho răng, thị trường có thể sớm đạt vùng cân bằng tại vùng hỗ trợ mạnh kỳ vọng 540 +/-, bởi đây là vùng tạo đáy của nhiều thời điểm sụt giảm trước đây.
Tại thời điểm này, nếu đứng ở vị thế mua, tôi cho rằng, đây là vùng giải ngân rất tốt cho trung hạn, nhất là khi thời điểm chính thức áp dụng nới room sắp đến gần.
Kịch bản của MBS trong hội thảo MBS Talk 8 đầu năm cũng xác định thị trường chỉ có 2 tháng đẹp nhất tại thời điểm đó là tháng 6 tháng 7. Trong đó, chúng tôi cũng đã dự phóng kịch bản cho 6 tháng cuối năm với khả năng đáy thị trường ở vùng 54x sau đó phục hồi và đi lên về cuối năm.
Bên cạnh những thông tin không mấy khả quan liên tiếp “dội” xuống TTCK, thì cũng có điểm tích cực đối với thị trường như Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn nới room. Điều này có thu hút thêm được dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới?
Theo Thông tư 123, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng không thuộc diện ngành nghề kinh doanh có điều kiện (theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư) sẽ do HĐQT của công ty quyết định (trong trường hợp không hạn chế tỷ lệ sở hữu) hoặc ĐHCĐ của công ty quyết định và được quy định rõ tại điều lệ công ty (trong trường hợp công ty muốn hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài). Sau khi hồ sơ được đệ trình lên UBCK và được xác nhận, công bố các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện giao dịch ngay theo tỷ lệ mới.
Hiện tại, chiếu theo các quy định duy nhất CTCK và công ty quản lý quỹ có thể áp dụng mở room từ 1/9/2015, còn lại các ngành nghề khác vẫn phải chờ danh mục 267 ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngắn hạn, tác động trực tiếp của thông tư này ngay lập tức tích cực cho các CTCK. Còn đối với các ngành các lĩnh vực khác có thể sẽ mất thời gian hơn. Xét một cách tổng thể, đây vẫn là yếu tố có tác động kích hoạt và thu hút dòng vồn ngoại vào Việt Nam trong trung và dài hạn trước bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu hơn khi tham gia vào các hiệp định thương mại tư do như TTP, FTAs...
Theo ĐTCK