Quay lại

Trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn trong tuần này, các chuyên gia chứng khoán đánh giá, thị trường tuần tới sẽ không còn bị “nhiễu” bởi hoạt động của các quỹ ETFs. Dòng tiền sẽ quan tâm tới các mã đầu cơ vừa và nhỏ, cũng như các mã có thông tin tốt trước ĐHCĐ, nhưng sẽ không đồng đều, mà sự phân hóa.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định chưa tăng lãi suất như dự báo, giúp chứng khoán toàn cầu khởi sắc. Đối với TTCK, quyết định này có tác động như thế nào, theo ông?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS trả lời phỏng vấn.

Sau khi chấm dứt gói QE3 vào cuối tháng 10/2014, phần lớn giới phân tích dự báo rằng, FED sẽ tăng lãi suất vào giữa năm 2015 sau khi kết thúc chương trình kích thích. Nếu diễn biến này diễn ra, khả năng ảnh hưởng đầu tiên sẽ là sự chuyển dịch dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi và thị trường biên. Trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu có thể rơi vào nhịp điều chỉnh khi FED tăng lãi suất lần đầu tiên nhất là khi các chỉ số chứng khoán của Mỹ đang giao dịch trong vùng đỉnh sau thời gian dài nới lỏng tiền tệ.

Đồng USD cũng trong xu hướng tăng giá so với các đồng tiền mạnh khác như euro, yên Nhật… Đây là một trong những rủi ro đối với thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi theo những diễn ra trong quá khứ mỗi lần FED tăng lãi suất, TTCK Mỹ đều giảm điểm đáng kể. Tuy nhiên, trong cuộc họp mới nhất của FED vào 18/3, Mỹ vẫn đang cân nhắc các yếu tố vĩ mô và có thể chưa tăng lãi suất vào tháng 6 tới.

Trong trường hợp, FED tăng lãi suất tại thời điểm sau quý II, khả năng lượng tiền khoảng 9.000 tỷ USD được bơm ra trong thời kỳ nới lỏng sẽ quay trở lại Mỹ. Tại thời điểm cuối quý III đầu quý IV/2014 do lo ngại FED tăng lãi suất đã khiến dòng vốn nước ngoài đầu tư tại các thị trường Emerging Market và Frontier Market bị rút ra khá mạnh, trong đó Việt Nam cũng không ngoài ảnh hưởng.

Trong vòng 6 tháng kể từ tháng 7 đến tháng 12/2014, nhà đầu tư nước ngoài (mà chủ yếu là các quỹ ETF) liên tục bán ròng 3.277 tỷ đồng trên toàn thị trường với trọng điểm bán ròng vào tháng 10 với lượng bán ròng mạnh nhất lên tới 1.116 tỷ đồng.

Đây cũng chính là thời điểm FED đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt gói QE3. Điều đó cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa chính sách của Mỹ và dòng vốn luân chuyển trên các thị trường quốc tế. Đây là một thông tin quan trọng mà NĐT nên chú ý theo dõi, nhất là động thái của các quỹ ETF để hành động cho phù hợp.

Trong tuần qua, dòng tiền vào thị trường khá yếu khiến thanh khoản cũng ở mức thấp (nếu loại trừ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF và đã hoàn tất vào ngày 20/3). Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bất động sản và nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn được mua mạnh hơn so với các ngành khác. Liệu xu hướng này có tiếp tục diễn ra trong tuần tới (23/3 - 27/3) không?

Tuần qua, thị trường chung bị ảnh hưởng khá mạnh do nằm trong thời điểm cơ cấu của 2 quỹ ETF. Trong đó, thị trường bị “đốn trụ” khi hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn (MSN, PVD, GAS, CTG, BID, HPG…) ảnh hưởng đến Index đều chịu áp lực bán và giảm khá mạnh đã khiến chỉ số chung và các cổ phiếu còn lại ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, các cổ phiếu có yếu tố thông tin hỗ trợ trước kỳ đại hội và cổ phiếu đầu cơ có mức tăng khá tốt như CTD, PNJ, PTB, PAC, CMG, SAM, HBC…

Tuần tới, tôi cho rằng, ảnh hưởng của kỳ review không còn gây “nhiễu” cho thị trường nữa và khả năng những cổ phiếu được NĐT nước ngoài mua nhiều và cổ phiếu có thông tin hỗ trợ tốt trước kỳ ĐHCĐ vẫn sẽ vẫn tích cực trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, ô tô như KBC, HUT, HHS, TDH, HBC, SD5… Ngoài ra, các cổ phiếu được hưởng lợi từ tỷ giá euro giảm như NT2, HT1, BCC… cổ phiếu ngân hàng (CTG, BID, VCB, STB…) có thể sẽ trở lại xu hướng dẫn dắt.

Mùa đại hội cổ đông đang diễn ra và khá nhiều doanh nghiệp xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn khủng. Điều này sẽ tác động như thế nào đến tâm lý thị trường và chính cổ phiếu của doanh nghiệp tăng vốn, theo ông?

Việc tăng vốn quá nhiều và nhanh của các công ty đang khiến NĐT lo ngại khi dòng tiền vào thị trường sẽ bị ảnh hưởng do bị “hút” vào các đợt phát hành này. Bản thân dòng tiền vào thị trường đã yếu do Thông tư 36, lo ngại từ Dự thảo sửa đổi Thông tư 210 nên thanh khoản chung thời gian gần đây khá yếu.

Những mã cổ phiếu nào tăng vốn khủng, không đi kèm một kế hoạch kinh doanh khả thi tôi cho rằng, NĐT không nên tham gia thực hiện quyền mà có thể xem xét trading nếu giá và khối lượng cải thiện tốt trong bối cảnh thị trường chung có thể sẽ hồi phục vào tuần tới sau khi giảm chạm các vùng hỗ trợ mạnh.

Theo ĐTCK

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang