Quay lại

Theo nhận định của một số chuyên gia khi trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, trong 1 uptrend dài sẽ có nhiều nhịp sóng tăng ngắn và do một nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Trong đợt tăng hiện tại, nhóm ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường và sắp tới là nhóm bluechip “cổ” và penny.

Hai phiên cuối tuần, TTCK đã có sự bứt phá mạnh và VN- Index xác lập đỉnh mới của năm. Mặc dù tăng điểm mạnh, nhưng đà tăng chủ yếu diễn ra ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Xu hướng tuần mới sẽ theo hướng như thế nào, theo cảm quan của các ông?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Thị trường vẫn đang diễn ra theo kịch bản của tôi đã đưa ra từ cuối tháng 5 vừa qua, nên tôi khá tự tin duy trì quan điểm, thị trường vấn tiếp tục xu thế tăng lên trên 670 điểm ngay trong năm nay.

Với mức điểm số tăng lên qua vùng 670, thì nhất thiết phải có sự trợ giúp của các cổ phiếu vốn hóa lớn để đẩy qua ngưỡng kháng cự mạnh 630 - 640 và theo cách nhìn của tôi, thì hiện tượng này là hoàn toàn bình thường và nhà đầu tư cần thích nghi với diễn biến này để có thể kiếm được lợi nhuận.

Với cách tiếp cận đó thì tôi cho rằng, xu thế chính tuần mới là vẫn tiếp tục tăng cho dù sẽ có những phiên giảm điểm nhẹ xen kẽ. Lớp cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ là nhóm dẫn dắt thị trường tăng điểm trong ngắn hạn.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua kháng cự mạnh 600 điểm khi tăng lên mức 616 điểm, còn HNX-Index tăng trở lại về vùng tích lũy cũ trước đây tại vùng 87-88 điểm. Tuy nhiên, chỉ số tăng mạnh chủ yếu thông qua nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, trong khi chưa tạo được sự lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác, nên chưa hẳn có sự đồng thuận.

Trong các phiên tới, thị trường sẽ kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự cao hơn như 620-526 điểm với VN-Index và 89-90 điểm với HNX-Index. Dòng tiền cần được lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác và thanh khoản sẽ cần tiếp tục tăng mạnh để duy trì đà tăng bền vững.

Về cơ bản, thị trường đang tiến sát các mốc cao nhất trong năm, với sức kéo phần lớn các cổ phiếu ngân hàng lớn (VCB, BID, ACB...) như đã từng diễn ra với dòng dầu khí năm ngoái, do đó tôi cho rằng, thị trường ngắn hạn vẫn trong xu hướng lạc quan, nhưng cũng cần duy trì tâm lý thận trọng khi quyết định mua đuổi trong các phiên tăng nóng trong tuần mới.

Sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng đã tạo ra điểm cộng tích cực hơn cho triển vọng chung toàn thị trường. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ tăng rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu midcap và penny khi chỉ số quay đầu điều chỉnh. Quan điểm của các ông như thế nào?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Mỗi một nhịp sóng nhỏ (1 - 2 tháng) đều có 1 nhóm cổ phiếu đại diện đóng vai trò dẫn dắt thị trường, các nhóm cổ phiếu còn lại chỉ mang tính chất phụ họa. Trong 1 uptrend dài (> 6 tháng) thì có nhiều nhịp sóng tăng xen kẽ, vì vậy, trong cả 1 uptrend dài thì các nhóm cổ phiếu sẽ luân phiên nhau dẫn dắt thị trường trong từng nhịp sóng.

Do đó, tư duy lo sợ thua lỗ cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu midcap và penny khi chỉ số quay đầu điều chỉnh chỉ là ngắn hạn, còn nếu xác định cả 1 uptrend hơn 6 tháng thì tôi tin rằng, tâm lý đó sẽ không còn diễn ra nữa.

Tuy nhiên, trong nhịp sóng ngắn hạn này, tôi vẫn nhìn thấy nhiều cổ phiếu midcap và penny thuộc dòng bất động sản vẫn tăng điểm khá do tính đột biến trong kết quả kinh doanh của nó khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận giải ngân ngược tâm lý chung.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Trong nhịp tăng của VN-Index từ 580 điểm lên 615 điểm trong tuần qua, chỉ có các cổ phiếu ngân hàng (VCB, BID, ACB, MBB...), chứng khoán (SSI, HCM...) và một số cổ phiếu bluechips là được hưởng lợi khi thu hút được dòng tiền của thị trường và nhà đầu tư nước ngoài.

Ngược lại, một số cổ phiếu midacap và penny khác trong xu hướng điều chỉnh khi dòng tiền chốt lời và luân chuyển sang các mã khác, nhất là khi các chỉ số chạm các vùng kháng cự mạnh và xuất hiện rung lắc trong phiên.

Do đó, theo quan điểm của tôi, nếu thị trường tiếp tục tăng điểm tiếp trong những phiên tới, khả năng dòng tiền sẽ sớm quay trở lại vào hai nhóm này, nhưng mức độ có thể sẽ không còn được như trước do giá cổ phiếu cũng không còn rẻ nữa. Việc mua đuổi giá cao trong phiên cần được cân nhắc thận trọng.

Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên chốt lời các mã đã có lời. Với các mã cổ phiếu đang về sát vùng hòa vốn, có thể xem xét chờ bán giá cao trong các phiên tăng điểm trong tuần này. Nên duy trì  tỷ lệ tiền mặt cao trước các ngưỡng cản mạnh của index trong thời gian này.

Có thể thấy, hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại đang là động lực cho thị trường tăng, nhưng liệu dòng tiền ngoại có đối diện với áp lực tạo lập vòng luân chuyển mới không, theo các ông?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Như đã nói ở trên, tôi luôn cho rằng, trong 1 uptrend dài hơn 6 tháng luôn có từng nhịp tăng nhỏ kéo dài 1 - 2 tháng. Mỗi nhịp tăng nhỏ đó đều có từng lớp cổ phiếu riêng biệt đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Vì vậy, nhịp sóng này là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng, thì nhịp sóng sau sẽ là nhóm cổ phiếu bluechip “cổ”, nhóm cổ phiếu bất động sản và cuối cùng sẽ là nhóm cổ phiếu penny (dự kiến sóng penny phải diễn ra vào tháng 10 - tháng 11).

Với những nhà đầu tư có vốn lớn hoặc xác định chiến lược đầu tư dài hạn, thì ngoài việc “đầu cơ” nhóm vốn hóa lớn trước, họ sẽ có xu hướng là tích lũy dần các cổ phiếu tốt mà chưa tăng để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MBS

Có thể nói, dòng tiền ngoại trong thời gian gần đây hỗ trợ rất lớn đến xu hướng thị trường chung với các phiên mua ròng mạnh mẽ 300 - 400 tỷ đồng/phiên, tập trung chủ yếu vào các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, SSI, MSN, HPG, VCB, STB, BID, BVH..., nên đã có sự tác động khá mạnh tới mức tăng của chỉ số VN-Index.

Nếu xu hướng mua ròng còn tiếp tục, tôi cho rằng, sẽ tiếp tục là động lực cho mức tăng điểm của 2 sàn trong thời gian tới. Tuy nhiên, diễn biến mua hoặc bán của nhà đầu tư nước ngoài là khá khó đoán.

Việc TTCK Trung Quốc đang giảm mạnh trong 2 tuần gần đây và sự kiện vỡ nợ tại Hy Lạp có thể sẽ phần nào tác động đến dòng vốn vào các thị trường mới nổi và thị trường biên, qua đó ảnh hưởng đến xu hướng mua ròng tại Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng, nên quan sát và thận trọng trước những tình huống này để đảm bảo hoạt động trading hiệu quả nhất.

Theo ĐTCK

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang