Quay lại

Trải qua nửa cuối tháng 11 trồi sụt với những đồn đoán về tác động tiêu cực của Thông tư 36 và CTCK siết margin, TTCK đang nhìn về tháng cuối cùng của năm 2014 với sự lạc quan thận trọng.

Cú sốc cuối tháng 11

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số chứng khoán thường tăng trong tháng cuối cùng của năm. Liệu diễn biến trên có lặp lại vào năm nay khi vào những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 sắc đỏ đang bao trùm trên cả 2 sàn?

Trong tháng 11, sự vận động của dòng tiền tập trung ở các nhóm cổ phiếu đầu cơ và chịu tác động khá mạnh từ kết quả kinh doanh của các DN niêm yết. Đáng chú ý, sóng cổ phiếu không còn trải rộng trên cả nhóm ngành, mà diễn ra cục bộ ở các mã chứng khoán, trong đó nhiều mã thu hút sự chú ý rất lớn của NĐT như KBC, FLC, KLF, FIT, PVD, GAS… Lực cầu tích cực ở nhóm cổ phiếu đầu cơ đã hâm nóng thị trường, giúp giao dịch diễn ra sôi động hơn.

Nhìn chung, việc duy trì được thanh khoản và diễn biến tăng giảm nhẹ của thị trường được đánh giá cao khi nhà đầu tư không rơi vào trạng thái hưng phấn hay hoảng loạn thái quá, đều đặn tích lũy với các mức tăng giảm điểm không quá mạnh.

Những chuyển động trên đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô khá tốt khi CPI tháng 11 ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này khiến giới đầu tư phán đoán CPI cả năm chỉ tăng dưới 5%. Việc CPI tháng 11 tiếp tục giảm tốc giúp giới đầu tư kỳ vọng chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục được áp dụng. Giá hàng hóa đầu vào, cước vận tải… tiếp diễn xu hướng giảm. Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng dịp cuối năm và đẩy vốn ra thị trường nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng kích thích TTCK.

Tuy nhiên, Thông tư 36/2014/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 20/11 vừa qua và có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 khiến TTCK chững lại. Rất nhiều báo cáo phân tích, dự báo tác động của Thông tư 36 tới TTCK được đưa ra. Dù muốn hay không, các thành viên thị trường đều thừa nhận rằng, Thông tư 36 đã và đang tác động đến thị trường. Chính bởi điều này, thị trường có nhiều dấu hiệu của một cú “đạp xuống” để gom hàng.

Thông tư 36 không hồi tố, các CTCK vì thị phần cũng không thể gián đoạn hợp đồng cho vay với NĐT, song diễn biến giao dịch của các cổ phiếu dẫn dắt, có mức vốn hóa lớn, tác động mạnh đến chỉ số như GAS, PVD… trong 2 phiên gần đây cho thấy, nhiều khả năng thị trường bị “đạp xuống”. Về lý thuyết, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, vì lượng cổ phiếu lưu hành của GAS hiện rất thấp, khi PVN và các tổ chức nước ngoài hiện sở hữu trên 98%. Nhiều NĐT cá nhân có thể cảm nhận được thị trường đang bị “kéo - xả”, nhưng họ bám theo “sóng” khiến xu hướng giảm càng mạnh hơn. VN-Index hiện đang ở mức thấp nhất tính từ cuối tháng 10/2014.

Diễn biến TTCK tháng 11 cho thấy tâm lý thận trọng bao trùm lên nhà đầu tư. VN- Index đóng cửa phiên ngày 27/11 giảm 30,31 điểm, tương ứng mức giảm 5% so với đầu tháng. HNX- Index giảm 0,87 điểm, tương ứng mức giảm 1%. Giá trị giao dịch bình quân phiên tại HSX tháng 11 giảm 2,4% so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên tại HNX tháng 11 giảm 2,3% so với tháng trước. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng không tạo ấn tượng đặc biệt trong tháng, khi họ bán ròng 3,61 triệu đơn vị trên HOSE và mua ròng 5,48 triệu đơn vị trên HNX

Dự báo thị trường tháng 12

Theo chúng tôi, có nhiều yếu tố chi phối xu hướng của TTCK trong tháng 12. Trước hết là hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Quỹ ETF FTSE Vietnam Index sẽ công bố thay đổi danh mục cơ sở của chỉ số vào ngày 6/12 và Market Vectors Vietnam Index sẽ công bố vào ngày 14/12. Hoạt động cơ cấu danh mục của cả FTSE Vietnam Index, FTSE Vietnam All-Share Index và Market Vectors Vietnam Index - các quỹ có quy mô đầu tư đến 1 tỷ USD trên TTCK, có tác động lớn đến thị trường và biến động ở nhiều mã cổ phiếu. Đây là một trong các hoạt động được giới đầu tư trông chờ nhất trong tháng 12.

Thị trường kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV của DN niêm yết sẽ khả quan hơn với nhiều chuyển biến mạnh ở các doanh nghiệp được NĐT quan tâm như dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm, khai khoáng. Bức tranh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX trong quý III/2014 khá sáng sủa với 87% số doanh nghiệp báo cáo kinh doanh có lãi, giá trị lãi tăng khoảng 33,5% so với cùng kỳ năm 2013. Dòng tiền đâu cơ vẫn luôn chờ đợi cơ hội để nổi sóng trong mỗi kỳ công bố thông tin về kết quả hoạt động trong kỳ.

Tháng 12 còn là thời điểm chốt giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư. Một yếu tố thường được giới đầu tư nhắc đến vào mỗi cuối năm đó là kỳ vọng về một đợt “nâng đỡ” thị trường từ các NĐT tổ chức, nhằm cải thiện NAV của các quỹ đầu tư.

Yếu tố căn bản hỗ trợ thị trường tháng 12 là nền tảng vĩ mô vẫn tốt, với mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2015 là 6,4% cao hơn mức 5,8% của năm 2013. CPI tiếp tục ở mức thấp tạo cơ sở về việc chính sách tiền tệ có thể tiếp tục được nới lỏng, ngân hàng sẽ tích cực đưa vốn ra thị trường và Chính phủ có giải pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Tóm lại, mặc dù kinh tế vĩ mô tích cực nhưng dòng tiền trên thị trường vẫn chịu biến động từ các chính sách mới, cộng hưởng với tâm lý thận trọng của NĐT, VN-Index nhiều khả năng bật trở lại sau đợt giảm điểm, nhưng mức tăng cao nhất có lẽ sẽ dừng ở 600 điểm.

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK MB (MBS) nhận định.

Tính từ đầu tháng 11 đến thời điểm hiện tại, tôi nhận thấy nhà ĐTNN vẫn tiếp tục bán ròng và tập trung vào các mã trụ cột như: GAS, PVD, KDC, MSN, BVH… Điều đó đang và sẽ tác động không tích cực đối với điểm số cũng như tâm lý thị trường trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong nguy vẫn có cơ, bởi thông thường sau mỗi đợt giảm sâu trên 10%, thị trường sẽ đạt điểm cân bằng và phục hồi. Hiện tại, dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang tạo kênh giảm giá ngắn hạn và dự kiến sắp chạm vào vùng hỗ trợ mạnh 560 điểm. Do đó, tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm về vùng cân bằng.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô đang có những chuyển biến tích cực trong 9 tháng đầu năm với tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây. Đây là yếu tố hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới, cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm sẽ là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng của TTCK về dài hạn. Về định giá, mức PE của Việt Nam hiện tại đang ở mức 14,15 lần, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (PE: 17,69 lần), Malaysia (PE: 16,59 lần), Indonesia (PE: 19,82 lần), Philippines (PE: 21,03 lần)…

Trong ngắn hạn, tôi cho rằng, Thông tư 36 sẽ tác động đến thị trường do chính sách sản phẩm margin của các CTCK có thể sẽ bị thay đổi. Trong đó, điều khoản cấp tín dụng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được bảo đảm bằng chính cổ phiếu đó sẽ khiến sản phẩm hợp tác giữa CTCK và ngân hàng sẽ có thể phải thiết kế lại. Tuy nhiên, ưu điểm của việc làm này là việc đẩy giá, làm giá sẽ không còn nguồn vốn ngân hàng hỗ trợ. Đây chính là điểm tích cực hỗ trợ cho thị trường trong trung và dài hạn tránh việc thao túng giá ở những cổ phiếu đầu cơ, gây thiệt hại cho NĐT.

Theo TNCK

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang