Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư Công ty Chứng khoán MBS, phát biểu tại tọa đàm.
Một nhà phân tích kỳ cựu nhận định chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả hơn các kênh khác trong năm nay, nhưng tỷ suất sinh lời sẽ không tính bằng lần như những năm thời kì đỉnh cao.
Tại tọa đàm “Chọn chiến lược đầu tư tối ưu thời chứng khoán bùng nổ” ngày 13/05 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế thuộc quần thể FLC Quy Nhơn, Bình Định, các chuyên gia kinh tế và các nhà phân tích chứng khoán đều nhận định thị trường chứng khoán sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm sắp tới.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư Công ty Chứng khoán MBS, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 6,35%, lạm phát ở mức 5% và tăng trưởng tín dụng ngân hàng 18%.
“Chu kỳ kinh tế Việt Nam đã tạo đáy vào năm 2012, và tôi dự báo chu kỳ tăng trưởng sẽ kéo dài trong 4 năm tới”, ông Chung nói.
Từ nhận định đó, ông Chung nhận định đầu tư vào chứng khoán sẽ là “thiên đường” trong vài năm tới. Tuy vậy, tỷ suất sinh lời sẽ không cao như những năm trước, chỉ ở mức 30%-40%, chứ không tăng bằng lần trong những năm trước.
Ngay cả mức sinh lời này cũng có sự phân hóa trong giới đầu tư. Chỉ có các nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có khả năng đạt được lợi nhuận cao, còn các nhà đầu tư không chuyên hoặc chỉ lướt sóng vẫn có thể lỗ như thường, ông Chung nói.
Cùng chung nhận định này, Ông Nguyễn Phi Sơn, Phó Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán SHS, đánh giá chu kỳ 10 năm của thị trường đang trở lại từ năm 2016.
Trong một vài năm trở lại đây, tuy có một số thông tin tiêu cực hệ thống ngân hàng, nhưng thị trường vẫn đang rất “khoẻ” và có những bước đi trưởng thành hơn rất nhiều. Điều này một phần nhờ vào những chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy thị trường.
Ông Ngô Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT Capital, cho rằng các cải cách của Chính phủ đã tháo gỡ cho việc mua bán nợ dễ hơn.
“Chứng khoán là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn. Vậy tại sao chúng ta không đầu tư chứng khoán?” ông Hải nói.
Đầu tư vào ngành nào tốt nhất?
Theo ông Dương Văn Chung, với việc chứng khoán phái sinh được đưa vào cùng với việc nâng hạng thị trường trong thời gian tới, cơ hội đầu tư sẽ rất nhiều.
Trong thời gian qua, dòng tiền đã đổ vào nhóm sắt thép, dầu khí, ngân hàng và khoảng hơn 1 năm nữa sẽ tới thời kỳ cổ phiếu ngân hàng, ông Chung khuyến nghị.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên tìm tòi các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu thành công, đang từ bờ vực phá sản có cơ hội phát triển trở lại sẽ mang lại lợi nhuận tốt.
Ông Chung lưu ý nhà đầu tư cần quan tâm một số tiêu chí cơ bản. Thứ nhất là tính minh bạch, minh bạch trong thông tin công bố, trong BCTC của doanh nghiệp. Thứ hai là doanh nghiệp thuộc các ngành xương sống giúp phát triển vĩ mô như chứng khoán, xây dựng, vật liệu bất động sản và ngân hàng.
“Các quỹ ngoại rất hồ hởi”
Sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam còn thể hiện ở dòng vốn nước ngoài quay trở lại từ đầu năm nay.
Theo ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM của Công ty Chứng khoán VCBS, vốn ngoại vào Việt Nam thời gian qua được cho là nhờ có lãi suất ổn định, bởi lãi suất cao là “kẻ thù” của chứng khoán.
Hành lang cần chắc chắn cho các nhà đầu tư. “Vĩ mô ổn định thì thị trường sẽ tự tăng trưởng. Nhà nước hỗ trợ như hiện nay đã rất tốt rồi”, ông Tuấn nói.
Ông chia sẻ rằng các quỹ ngoại từ đầu năm nay rất hồ hởi và đã có những chương trình hành động. Một trong những điểm thu hút họ là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy vậy, khối ngoại vẫn tỏ ra quan ngại đối với sự minh bạch của quá trình cổ phần hóa, và các loại bất ổn, đặc biệt các thay đổi về chính sách ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Bizlive