Quay lại

ĐÁNH GIÁ VÀ CẬP NHẬT VÒNG ĐÀM PHÁN TPP THÁNG 7 - 2015

  1. Cách thức đàm phán TPP

Đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện nay có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – còn gọi là P4) - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brune. Năm 2007, các nước thành viên P4 quyết định mở rộng phạm vi đàm phán của Hiệp định này ra các vấn đề dịch vụ tài chính và đầu tư và trao đổi với Hoa Kỳ về khả năng nước này tham gia vào đàm phán mở rộng của P4. Phía Hoa Kỳ cũng bắt đầu tiến hành nghiên cứu vấn đề, tham vấn nội bộ với các nhóm lợi ích và Nghị viện về vấn đề này. Tháng 9/2008, USTR thông báo quyết định của Hoa Kỳ tham gia đàm phán P4 mở rộng và chính thức tham gia một số cuộc thảo luận về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính với các nước P4. Tháng 11 cùng năm, các nước Úc, Peru và Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm và tham gia đàm phán TPP, nâng tổng số thành viên tham gia lên 8 nước (trừ Việt Nam đến 13/11/2010 mới tuyên bố tham gia đàm phán với tư cách thành viên đầy đủ, các nước khác quyết định tham gia chính thức ngay từ đầu). Cũng từ thời điểm này, đàm phán mở rộng P4 được đặt tên lại là đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Về bản chất, TPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương giữa 12 nước ven bờ Thái Bình Dương (APEC) (Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, Brunei, Singapore, Malaysia, Úc, New Zealand, Nhật Bản). Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreements - FTA) đòi hỏi mức độ cam kết mở cửa sâu hơn các cam kết mở cửa thương mại thông thường (thể hiện chủ yếu ở các lĩnh vực phải cam kết mở cửa rộng hơn, mức độ mở cửa như cắt giảm thuế quan, loại bỏ các điều kiện tiếp cận thị trường, ngoài ra những vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường cũng được đưa vào đàm phán và ký kết). 

TPP sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng, với xu hướng đàm phán tự do mạnh mẽ , ví dụ:

- Thuế quan: Cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%), thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn

- Dịch vụ: Tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính

- Đầu tư: Tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư

- Quyền sở hữu trí tuệ: Tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với mức trong WTO (WTO+)

- Các biện pháp SPS, TBT: Siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật;

- Cạnh tranh và mua sắm công: Tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công

- Các vấn đề lao động: đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (nghiệp đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động

- Các vấn đề phi thương mại khác: Tăng yêu cầu về môi trường  

Hiện 12 nước thành viên đã trải qua 19 vòng đàm phán chính thức, 5 phiên họp cấp Bộ trưởng và hàng chục vòng đàm phán không chính thức, cùng với đó là một số lượng lớn cuộc gặp, đàm phán song phương giữa các cặp đối tác trong TPP. So với nhiều đàm phán thương mại tự do khác thì số vòng và thời gian đàm phán của TPP lớn hơn đáng kể. Thậm chí, kể từ vòng đàm phán thứ 19 (tháng 9/2014) tại Singapore, các nước đã không còn đặt số thứ tự cho các lần làm việc. Ngoài ra, trong đàm phán TPP có những hình thức đàm phán đặc thù riêng, ví dụ các phiên họp cấp Bộ trưởng sẽ bàn về những vấn đề không thể quyết được ở cấp kỹ thuật mà cần các định hướng chính trị lớn hơn.

Đàm phán TPP được thỏa thuận là đàm phán mật. Do đó ngoài các đoàn đàm phán và các cơ quan có thẩm quyền trong nội bộ từng nước, không có chủ thể nào khác được thông tin chính thức và chính xác về các nội dung đàm phán cụ thể. Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy TPP không chỉ bàn về các vấn đề thương mại, dịch vụ, đầu tư mà còn “lấn” sang cả lĩnh vực phi thương mại khác.

Trước kia khi đàm phán WTO, Việt Nam chỉ phải đàm phán 2 lĩnh vực là mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, cùng với đàm phán đa phương, thì nay sang TPP, Việt Nam phải đàm phán tới 30 chương, trong đó có những lĩnh vực lần đầu tiên như công đoàn, lao động, doanh nghiệp Nhà nước.

Đàm phán TPP được thực hiện theo phương thức tiếp cận "chọn - bỏ", khác với phương thức "chọn - cho" của WTO. Điều này có nghĩa TPP chỉ cho phép các nước bảo lưu một số lượng hạn chế các ngành, phân ngành và phải giải trình với lý do hợp lý để được bảo lưu. Nếu không giải trình được lý do nhạy cảm đó, thì phải tuân thủ đúng những nguyên tắc TPP, tức là phải mở cửa. Còn với khi đàm phán WTO, Việt Nam được chọn mở ngành nào sẽ mở ngành đó.

Sẽ có 21 nhóm đàm phán cho 29 chương với 2 loại đàm phán là lời văn và mở cửa thị trường cùng 2 kiểu đàm phán là song phương và đa phương.

  1. Cập nhật tiến trình đàm phán T7.2015 vừa qua

Do cam kết bảo mật nội dung đàm phán TPP giữa các nước nên chưa có thông tin chính thức. Thông tin chỉ từ các tuyên bố mang tính chất chung chung từ các đoàn đàm phán.

12 nước thành viên đã trải qua 19 vòng đàm phán chính thức, 5 phiên họp cấp Bộ trưởng và hàng chục vòng đàm phán không chính thức, cùng với đó là một số lượng lớn cuộc gặp, đàm phán song phương giữa các cặp đối tác trong TPP. So với nhiều đàm phán thương mại tự do khác thì số vòng và thời gian đàm phán của TPP lớn hơn đáng kể. Thậm chí, kể từ vòng đàm phán thứ 19 (tháng 9/2014) tại Singapore, các nước đã không còn đặt số thứ tự cho các lần làm việc. Thông tin hiếm hoi từ Thông cáo báo chí đơn phương của Malaysia tháng 6/2013 cho biết 14/29 Chương của TPP đã “cơ bản được khép lại đàm phán về các vấn đề kỹ thuật và ít tranh cãi”.

Mới đây nhất, Hội nghị Bộ trưởng thương mại các nước TPP đã diễn ra từ ngày 28-31 tháng 7/2015 tại đảo Hawai của Hoa Kỳ. Ngay trước thềm Hội nghị, các trưởng đoàn đàm phán TPP và một số nhóm đàm phán đã có các cuộc họp từ ngày 24/7/2015 để chuẩn bị cho Hội nghị của các Bộ trưởng. Hội nghị lần này được kỳ vọng rất cao là sẽ có thể kết thúc được đàm phán TPP sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa được Quốc hội nước này trao Quyền đàm phán nhanh (TPA) ngày 24/6/2015.

Tuy nhiên, sau 4 ngày đàm phán căng thẳng, Hội nghị đã kết thúc mà không đạt được một tuyên bố chính thức nào về việc kết thúc đàm phán TPP. Hội nghị Bộ trưởng TPP kết thúc với một Tuyên bố chung ngắn ngủi gây nhiều thất vọng - không có một tuyên bố kết thúc nào được đưa ra (kể cả tuyên bố kết thúc “về cơ bản”), không có một thông tin cụ thể nào cho biết đàm phán đã đạt được đến đâu, cũng không có một lịch trình tiếp theo nào cho đàm phán trong thời gian tới. Các bộ trưởng chỉ tuyên bố chung chung rằng “Sau hơn một tuần làm việc hiệu quả, chúng tôi đã đạt được tiến triển đáng kể và sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết một số ít các vấn đề còn tồn đọng, tạo điều kiện để kết thúc các cuộc đàm phán TPP”.

Mặc dù không được tuyên bố chính thức nhưng những thông tin bên lề cho thấy cuộc đàm phán lần này đã đạt được tiến triển lớn ở nhiều vấn đề khó khăn. Trong một cuộc phỏng vấn sau Hội nghị bộ trưởng, Bộ trưởng Thương mại Australia, Andrew Robb đã nói rằng “98% các vấn đề đã được giải quyết”. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Michael Froman, trong một cuộc họp báo cũng phát biểu rằng Hội nghị đã đạt được nhiều tiến triển, và dẫn chứng vấn đề Chỉ dẫn địa lý như một bước tiến đã đạt được tại Hội nghị lần này. Nhiều nguồn tin khác cho hay, một số vấn đề khó khăn như Đầu tư, Mua sắm công, Thương mại điện tử và Môi trường cũng đã gần hoàn toàn kết thúc.

Mặc dù không có thông tin chính thức, nhưng theo thông tin từ Bộ trưởng thương mại Nhật Bản, Akira Amari, các Bộ trưởng thương mại TPP có thể sẽ nhóm họp lần nữa vào tháng 8 tới, nhưng chưa có lịch trình cụ thể. 

Giới chuyên gia nhận định, nếu các nước TPP muốn ký kết được Hiệp định tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 16-17/11/2015 tới thì đàm phán TPP phải kết thúc vào giữa tháng 8/2015 bởi vì theo quy định của Hoa Kỳ về Quyền đàm phán nhanh (TPA), Tổng thống Obama phải thông báo với quốc hội 90 ngày trước khi ký TPP.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Andrew Robb bình luận, trở ngại chính hiện tại nằm ở “bộ tứ” nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico. Bất đồng xung quanh các vấn đề thương mại ôtô giữa Nhật Bản và Bắc Mỹ, sản phẩm sữa của New Zealand, và thời hạn độc quyền đối với thuốc thế hệ mới là những nguyên nhân chính khiến TPP chưa thể hoàn tất.

  1. Cập nhật tiến trình đàm phán TPP của Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, toàn bộ đàm phán song phương với các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được đoàn Việt Nam hoàn thành ngay tuần qua.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tiến hành đàm phán và trao đổi bên lề với đại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản - hai nước lớn nhất trong TPP, cùng lãnh đạo của Malaysia, Mexico, Singapore, Canada.

Tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã cơ bản hoàn tất đàm phán song phương với 11 nước khác trong TPP, đặc biệt là với Hoa Kỳ - đối tác đàm phán khó khăn nhất của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Vũ Huy Hoàng, đã phát biểu rằng “Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất được tất cả các nội dung liên quan về TPP”-  mặc dù trước khi Hội nghị diễn ra, nhiều nguồn tin cho thấy Việt Nam vẫn còn vướng mắc với Hoa Kỳ về một số vấn đề như Lao động (Công đoàn), Tiếp cận thị trường đối với Dệt may, Da giày…

Với việc sớm hoàn tất đàm phán song phương, có thể thấy, quyết tâm chính trị của Chính Phủ Việt Nam về việc tham gia TPP là rất nhất quán và mạnh mẽ.

  1. Các tác động ảnh hưởng tới nền kinh tế, TTCK

Rất khó để mô tả cụ thể sự thay đổi của môi trường kinh tế sau khi TPP được ký kết bởi nội dung của TPP được giữ kín và còn quá sớm để có được dự báo về phản ứng của dòng vốn. Tuy nhiên, với Việt Nam, việc tham gia vào TPP có thể đem lại một số tác động tích cực như sau:

  • TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường, cụ thể ở đây là khu vực Đông Á bao gồm ASEAN ( chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu và 75% kim ngạch nhập khẩu). Đàm phán và ký kết FTA với một số thị trường trọng điểm như Mỹ, EU có thể giúp chúng ta khắc phục tình trạng mất cân đối này.
  • Quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP, sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam. Cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản mở rộng thị phần rất lớn, đặc biệt là thị trường Mỹ.
  • Với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là của các tập đoàn lớn. Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại.
  • Với các cam kết sâu và rộng hơn WTO, TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngoài ra, do TPP hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa quy trình xây dựng chính sách và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình này, cho nên sẽ có tác dụng rất tốt để hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như tăng cường cải cách hành chính.

Bên cạnh các yếu tố tích cực, việc tham gia vào TPP, Việt Nam cũng đối diện một số thách thức, trong đó lớn nhất là sức ép cạnh tranh do phải giảm thuế nhập khẩu về 0%, mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ trong khuôn khổ TPP. Đi sâu phân tích cơ cấu xuất khẩu của các nước TPP, có thể thấy những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là ôtô, thịt lợn, thịt bò và đường. Các ngành bị tác động tương đối mạnh bao gồm thực phẩm chế biến, rượu và hóa phẩm tiêu dùng. Các mặt hàng vốn vẫn được bảo hộ cao như muối, lá thuốc lá, trứng gia cầm, thép, giấy… có thể không đáng ngại, lý do là các nước TPP hoặc không xuất khẩu hoặc hướng đến phân khúc thị trường khác so với sản xuất trong nước. Riêng với xăng dầu, nếu xóa bỏ thuế nhập khẩu Việt Nam sẽ mất đi một trong các công cụ điều hành giá quan trọng. Sức ép cạnh tranh từ TPP, nếu có sẽ xuất hiện ở ba ngành chính: ngân hàng, phân phối và phần nào đó là viễn thông giá trị gia tăng.

Đối với thị trường chứng khoán, TPP cũng sẽ là yếu tố tác động mạnh đến thị trường sau khi được thông qua.

Có thể nhìn thấy những cổ phiếu liên quan trực tiếp đến TPP sẽ được nhà đầu tư quan tâm như các cổ phiếu của công ty sản xuất, xuất khẩu thủy sản, dệt may, đồ gỗ như TCM, VHC, TTF, TNG…Các công ty bất động sản khu công nghiệp cũng có thể được hưởng lợi nhờ ngành công nghiệp xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ tăng trưởng kéo theo nhu cầu về thuê nhà xưởng.

Ngoài các tác động trực tiếp đến các mã cổ phiếu có liên quan, TPP cũng sẽ tác động gián tiếp đến thị trường. Với việc mở cửa thị trường và tăng trưởng đầu tư, thị trường sẽ thu hút được nguồn vốn  

Đối với thị trường chung, TPP sẽ tác động gián tiếp qua việc Việt Nam mở cửa nền kinh tế và tăng trưởng đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, nền kinh tế cải cách sâu rộng tạo vị thế cao hơn cho Việt Nam, thu hút mạnh hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong đó có vốn đầu tư gián tiếp FPI. Đây có thể là lực tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán sau khi TPP được ký kết.

© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang