Báo cáo Chiến lược thị trường tuần 12/05/2025 – Dòng vốn ngoại quay trở lại, điều chỉnh là cơ hội

Ngày đăng:12/05/2025

Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm trong tuần vừa qua khi các cuộc đàm phán thương mại đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, trong đó Anh là quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ kể từ khi ông Trump công bố thuế đối ứng vào đầu tháng 4. Bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc cũng có “bước tiến lớn” sau 2 ngày đàm phán. Một số thị trường có mức tăng nổi bật trong tuần vừa qua gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, v.v…

Ở thị trường hàng hóa, giá Vàng duy trì trên mốc 3.300 USD/oz. Dấu hiệu xuống thang của căng thẳng thương mại trong tuần vừa qua đã khiến nhu cầu phòng ngừa rủi ro ở vàng của giới đầu tư toàn cầu có phần giảm bớt nhưng kim loại quý này vẫn có mức tăng trên 3% và 26,7% kể từ đầu năm. Giá dầu tăng hơn 4% trong tuần vừa qua, trong khi giá Đồng và Bạc cũng ghi nhận mức tăng lần lượt +5,7% và +4,9% trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Sau 2 ngày đàm phán căng thẳng tại Thụy Sĩ, Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Thông tin này được Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer công bố vào ngày 11/05.

Thị trường trong nước vừa có tuần phục hồi trên diện rộng trong tuần đầu tiên hệ thống KRX đưa vào vận hành. Chỉ số Vn-Index chốt tuần ở 1.267,3 điểm, tăng +41 điểm, tương đương tăng +3,34% so với tuần trước, ghi nhận một tuần tăng thứ 3 trong 5 tuần kể từ khi thị trường tạo đáy.

Nhóm cổ phiếu trung bình (Midcap) có mức phục hồi tốt nhất, tăng +3,47%, trong khi nhóm Vn30 và nhóm cổ phiếu nhỏ (Smallcap) có mức tăng lần lượt +3,25% và +2,94%.  Mặt bằng cổ phiếu phục hồi trên diện rộng, Một số nhóm cổ phiếu có sức bật tốt trong tuần vừa qua: Vingroup (+9,2%), BĐS KCN (+7,1%), BĐS (+6,7%), …

Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua đạt 19.263 tỷ đồng, tăng nhẹ +2,2% so với tuần trước đó, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng tăng +3,3% lên 17.146 tỷ đồng. Theo thống kê, thanh khoản tháng 4 đạt 25.571 tỷ đồng, thanh khoản kể từ đầu tháng 5 còn 19.263 tỷ đồng, giảm -23% so với cùng kỳ và sụt -24,7% so với tháng 4. Lũy kế từ đầu năm, thanh khoản toàn thị trường đạt 19.652 tỷ đồng, giảm -6,8% so với mức bình quân năm 2024, thấp hơn -19% so với cùng kỳ.

Khối ngoại mua ròng +1.222 tỷ đồng, đánh dấu tháng đầu tiên mua ròng kể từ tháng 1/2024. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng -40.837 tỷ đồng. Một số cổ phiếu được khối ngoại mua ròng đáng chú ý như: DXG (+262 tỷ đồng), VIC (+259 tỷ đồng), NLG (+222 tỷ đồng), v.v… trong vòng 1 tháng trở lại đây, khối ngoại mua ròng HPG (+1.649 tỷ đồng), MWG (+990 tỷ đồng), …

Thanh khoản toàn thị trường tăng nhẹ so với tuần trước giúp thị trường hồi phục trêN diện rộng và dòng tiền lại chảy vào một số nhóm cổ phiếu như: Dầu khí, Chứng khoán, BĐS, Dệt may, Sản xuất và phân phối điện, Đầu tư công, Hóa chất, BĐS KCN, Công nghệ.

Về định giá, chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 12,9 lần, thấp 1 độ lệch chuẩn (13,48) kể từ tháng 5/2020, bên cạnh đó cho thấy thị trường đang ở mức định giá thấp hơn trung bình lịch sử (16,84) là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn.

Nhận định thị trường: Dòng vốn toàn cầu đang ào ào chảy vào chứng khoán châu Á khi sự tăng giá mạnh mẽ của các đồng nội tệ trong khu vực, cùng khả năng duy trì lợi nhuận của doanh nghiệp châu Á, đã vượt trên nỗi lo về tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ. Số liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, các quỹ toàn cầu đã mua ròng 9.64 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường mới nổi châu Á (ngoài Trung Quốc) trong ba tuần qua, tạo nên chuỗi dòng vốn vào dài nhất kể từ tháng 3 năm 2024. Điều đáng chú ý là lợi nhuận doanh nghiệp tại các thị trường này được dự báo sẽ chịu tác động ít hơn từ chính sách thuế quan của Trump so với các công ty Mỹ.

Đối với thị trường trong nước: Mạch thông tin hỗ trợ thị trường lúc này diễn biến đàm phán Mỹ – Trung. Tình hình đàm phán thuế Việt – Mỹ chưa có thông tin chính thức, nên cũng không loại trừ sẽ tạo được kích thích tâm lý nếu kết quả đàm phán tích cực. Bên cạnh đó, tín hiệu đáng chú ý lúc này là dòng vốn ngoại đang quay trở lại các thị trường Châu Á trong đó có thị trường Việt Nam. Về kỹ thuật, tròn 1 tháng kể từ khi thị trường tạo đáy, chỉ số Vn-Index đã lấy lại hơn 190 điểm (+18%), đã có rất nhiều nhóm cổ phiếu có mức tăng từ 20% – 30% như: Logistics/cảng biển, Vingroup, Bán lẻ, Hóa chất, Viettel, BĐS, do vậy áp lực chốt lời ngắn hạn sẽ diễn ra khi phía trước là khoảng GAP rất rộng từ 1.275 – 1.300 điểm. Tâm lý nhà đầu tư đã thận trọng khi thanh khoản 2 tuần liên tiếp dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng. So với chỉ số S&P 500, chỉ số Vn-Index đã lấy lại ngưỡng MA200 và đang retest ngưỡng MA100. Trong kịch bản cơ bản, thông tin thị trường mong đợi như Hệ thống KRX, hay kết quả kinh doanh quý I/2025 có thể đã qua khi được phản ánh vào giá, chúng tôi cho rằng áp lực chốt lời ngắn hạn không đáng ngại khi thị trường đang đón nhận dòng vốn ngoại quay trở lại, đồng thời đàm phán thương mại có thể tạo thêm tín hiệu hỗ trợ. Khả năng lấp 1 khoảng GAP khá rộng mặc dù khó nhưng vùng mục tiêu 1.280 – 1.290 điểm có thể là đích đến của thị trường trong tuần này. Hỗ trợ của thị trường đáng chú ý ở vùng MA200, tương đương 1.260 – 1.262 điểm. Trong kịch bản thận trọng, vùng hỗ trợ cho thị trường ở khu vực 1.240 điểm.

Chiến lược giao dịch: Các nhịp điều chỉnh là cơ hội để cơ cấu danh mục, tập trung ở nhóm cổ phiếu đang có sức bật tốt như: Vingroup, Dầu khí, BĐS, BĐS KCN, … hoặc nhóm cổ phiếu đang được chiết khấu so với ngưỡng 1.240 điểm như: Chứng khoán, Ngân hàng, Công nghệ, …

Chia sẻ:

Quý khách chưa có tài khoản MBS?

Mở tài khoản ngay

Để bắt đầu giao dịch và cập nhật kịp thời các thông tin và báo cáo giá trị từ MBS.

Quý khách đã có tài khoản MBS vui lòng đăng ký để nhận báo cáo từ MBS.

Cập nhật thông tin thị trường và thông tin doanh nghiệp mới nhất từ MBS.