Quay lại

Ngày đăng: 24/05/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ phục hồi khi nhà đầu tư nhanh chóng mua vào những cổ phiếu lao dốc như ngân hàng sau khi chỉ số Dow Jones ghi nhận 8 tuần giảm liên tiếp. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 618,34 điểm (+2%) lên 31.880,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,9% lên 3.973,75 điểm, xóa bớt đà giảm sau khi có thời điểm rơi vào thị trường “con gấu” vào phiên ngày 20/5, tức sụt hơn 20% so với mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,6% lên 11.535,28 điểm. Các chuyên gia phân tích cho biết vẫn còn phải xem 3 chỉ số chính có thể duy trì được các mức này trong bao lâu. Nhà đầu tư đã ở mức này trước đây, chào đón các đợt phục hồi nhẹ trong giai đoạn biến động năm nay nhưng băn khoăn không biết khi nào đà phục hồi sẽ đủ mạnh để đảo ngược xu hướng giảm (downtrend) kéo dài nhiều tháng. Nhà đầu tư đang tìm kiếm dấu hiệu tạo đáy khi thị trường năm 2022 bán tháo cổ phiếu sắp đến tháng thứ 6. S&P 500 hiện sụt 17,5% so với mức cao kỷ lục, còn Dow Jones lao dốc 13,7%. Nasdaq Composite đã nằm sâu trong vùng thị trường giá xuống, giảm 28,8% so với mức cao kỷ lục. 
  • Giá dầu gần như đi ngang, khép phiên nhích nhẹ do lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế kết hợp với triển vọng nhu cầu nhiên liệu cao hơn khi mùa hè – mùa lái xe vi vu sắp đến ở Mỹ và Thượng Hải có kế hoạch mở cửa trở lại sau 2 tháng phong tỏa vì Covid-19. Kết phiên, hợp đồng dầu WTI nhích 1 xu (+0,01%) lên 110,29 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 87 xu (+0,7%) lên 113,42 USD/thùng. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, cho biết bà không kỳ vọng một cuộc suy thoái xảy ra đối với các nền kinh tế lớn, nhưng không thể loại trừ khả năng. Đà suy giảm của dầu còn bị kìm hãm bởi kỳ vọng nhu cầu xăng vẫn ở mức cao. Mỹ chuẩn bị bước vào mùa lái xe cao điểm bắt đầu vào cuối tuần nghỉ lễ Tưởng niệm (Memorial Day) vào cuối tuần này. Bất chấp những lo ngại về giá nhiên liệu tăng cao có thể làm giảm nhu cầu, các chuyên gia phân tích cho biết dữ liệu di chuyển từ TomTom và Google đã nhảy vọt trong những tuần gần đây, cho thấy nhiều người lái xe trên đường hơn ở những nơi như Mỹ. Bên cạnh đó, việc Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về cấm vận dầu Nga sau cuộc chiến ở Ukraine đã hạn chế đà tăng của giá dầu. Hungary tiếp tục phản đối lệnh cấm vận được đề xuất, đảm bảo nguồn cung không bị thiếu hụt đột ngột. Ngoài ra, bổ sung cho đà tăng của giá dầu là việc Thượng Hải đặt mục tiêu bình thường hóa cuộc sống từ ngày 01/6 khi số ca nhiễm Covid-19 giảm. 
  • Giá vàng tăng khi đồng USD suy yếu tiếp tục hỗ trợ vàng, mặc dù lợi suất trái phiếu Mỹ cao đã kìm hãm đà tăng của kim loại quý. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 0,36% lên 1.852,4 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,52% lên 1.851,7 USD/oz. Chuyên gia phân tích Jeffrey Halley của Oanda nhận định: “Vẫn chưa biết liệu vàng có vượt qua cơn bão trong trung hạn không, hay nó chỉ đơn thuần phục hồi để phản ứng với sự sụt giảm liên tục của đồng USD”. Chỉ số đồng USD khởi đầu tuần bất lợi, sau khi ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong 2 tháng, khi nhà đầu tư hạ dự báo về đà tăng hơn nữa của đồng USD từ lãi suất Mỹ tăng và hy vọng việc nới lỏng phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc có thể hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu. Đồng USD suy yếu làm vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nước ngoài. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ổn định sau 3 phiên giảm liên tiếp, làm hạn chế nhu cầu kim loại không đem lại lợi suất. 
Bản tin phái sinh 24/05/2022 - Kiểm chứng lại vùng hỗ trợ mạnh
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang