Quay lại

Ngày đăng: 18/05/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới: 

  • Chứng khoán Mỹ khởi sắc khi thị trường phục hồi sau đợt lao dốc mạnh trong năm. Đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 431,17 điểm (+1,34%) lên 32.654,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 2,02% lên 4.088,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,76% lên 11.984,52 điểm. Đà tăng này đánh dấu những nỗ lực mới nhất của thị trường nhằm phục hồi sau nhiều tuần giảm mạnh. S&P 500 đang trải qua chuỗi lao dốc 6 tuần liên tiếp – dài nhất kể từ năm 2011. Dow Jones giảm 7 tuần liên tiếp, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 2001. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 và Dow Jones lần lượt sụt 14,2% và 10,1%. Vào chiều ngày thứ Ba, chứng khoán Mỹ đã giảm một chút so với mức đỉnh trong phiên rồi sau đó tăng nhẹ khi nhà đầu tư tiếp thu những nhận định mới nhất về lạm phát từ Chủ tịch Fed Jerome Powell trong một cuộc họp của Wall Street Journal. Ông Powell cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng tôi cảm thấy chúng tôi đang ở một vị trí mà có thể nói các điều kiện kinh tế thích hợp, chúng tôi thấy lạm phát suy yếu. Chúng tôi sẽ đi đến đó. Sẽ không có bất kỳ do dự nào về điều đó”. 
  • Giá dầu có lúc vượt mức 115 USD/thùng, mức cao nhất trong 7 tuần, khi Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục thúc đẩy lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga, điều này sẽ làm thắt chặt nguồn cung. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent lùi 1,97% xuống 111,99 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1,80 USD (-1,58%) còn 112,40 USD/thùng. Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU vào ngày thứ Hai (16/5) đã thất bại trong nỗ lực gây áp lực buộc Hungary thay đổi quyền phủ quyết đối với đề xuất cấm vận dầu Nga. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao hiện xem Hội nghị thượng đỉnh ngày 30-31/5 là thời điểm đạt được thỏa thuận về lệnh cấm từng giai đoạn đối với dầu Nga. Số liệu cho thấy trong tháng 4, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đồng minh bao gồm Nga, đã sản xuất mức thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu theo thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng được thực hiện trong giai đoạn tồi tệ nhất đại dịch Covid-19 năm 2020. “Cuối cùng, đây là một câu chuyện về nguồn cung”, Fawad Razaqzada, Chuyên gia phân tích tại City Index, nhận định. “Trừ khi OPEC và các đồng minh tăng sản lượng nhanh chóng, giá dầu khó có thể giảm mạnh”. 
  • Giá vàng suy giảm khi dữ liệu doanh số bán lẻ tại Mỹ mạnh mẽ và kỳ vọng nâng lãi suất mạnh hơn lấn át sự hỗ trợ từ đồng USD suy yếu. Khép phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,2% xuống 1.821,09 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai cộng 0,3% lên 1.819,70 USD/oz. Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 4, cho thấy nhu cầu vẫn được duy trì mạnh mẽ bất chấp lạm phát cao và xoa dịu một số lo ngại rằng nền kinh tế đang đi vào suy thoái. Trong khi đó, kìm hãm đà giảm của vàng là đồng USD suy yếu, làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Giá vàng đã tăng vào đầu phiên, khi cố gắng phục hồi sau khi lùi xuống mức thấp nhất trong 3 tháng rưỡi vào ngày 16/5, được thúc đẩy bởi đà suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ. Phản ánh tâm lý nhà đầu tư, lượng nắm giữ của quỹ ETF hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2022. 
Bản tin phái sinh 18/05/2022 - Tạo vùng dao động rộng
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang