Quay lại

Ngày đăng: 14/01/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm khi đà phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ mờ nhạt, xóa sạch đà tăng từ hồi đầu tuần. Kết phiên, chỉ số S&P 500 rớt 1,42% xuống 4.659,03 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 2,51% còn 14.806,81 điểm. Chỉ số Dow Jones lùi 176,70 điểm (-0,49%) xuống 36.113,62 điểm, sau khi tăng hơn 200 điểm vào đầu phiên. Báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ cũng mang đến một số tích cực cho thị trường trong ngày thứ Năm. Delta Air Lines công bố doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch, và tái khẳng định triển vọng của cả năm, qua đó đưa cổ phiếu này tăng hơn 2%. Cổ phiếu KB Home leo dốc hơn 16% sau khi báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự báo. Những động thái trên thị trường ngày thứ Năm diễn ra khi một báo cáo lạm phát khác cho thấy lạm phát đang rất cao theo lịch sử, nhưng không quá tệ như một số chuyên gia kinh tế lo ngại. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 12 tại Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn dự báo 0,4% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy nhiên, chỉ số này đã vọt 9,7% so cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2010. Báo cáo này được đưa ra sau dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12 công bố vào ngày 12/01, một thước đo lạm phát quan trọng, đã tăng 7% so cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Thống kê Lao động của Bộ. Đó là mức tăng cao nhất kể từ năm 1982, nhưng phần lớn trùng khớp với dự báo.
  • Giá dầu suy giảm khi nhà đầu tư chốt lời sau 2 phiên tăng trong bối cảnh lo ngại Mỹ sẽ nâng lãi suất mạnh mẽ, tuy nhiên, đà giảm giá bị kìm hãm nhờ kỳ vọng rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sẽ thúc đẩy nhu cầu. Đóng cửa, hợp đồng dầu giao ngay lùi 52 xu (-0,63%) xuống 82,12 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 0,24% còn 84,47 USD/thùng. John Kilduff, Đối tác tại Again Capital Management, nhận định: “Dữ liệu lạm phát giá sản xuất PPI của Mỹ dễ dàng tăng nóng như tháng trước và có thể gây áp lực lên Fed trong việc kìm hãm nền kinh tế, qua đó có khả năng là lực cản đối với giá dầu thô và hỗ trợ đồng USD”. Giá dầu thường di chuyển ngược chiều với đồng USD, với đồng USD mạnh hơn làm những hàng hóa neo giá theo đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
  • Giá vàng giảm khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng với việc Fed có khả năng nâng lãi suất vào tháng 3/2022. Kết phiên, hợp đồng vàng giao ngay lùi 0,3% xuống 1.820,71 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 0,3% còn 1.821,40 USD/oz. Những kỳ vọng xung quanh việc Fed nâng lãi suất đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng, có khả năng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất. Trong khi đó, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên cao nhất trong 8 tuần vào tuần đầu tiên của tháng 01/2022. Ed Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định phản ứng chung của thị trường vàng đối với dữ liệu thất nghiệp là khá im ắng vì điều này không làm thay đổi câu chuyện về những gì Fed có thể làm trong tháng 3/2022. Lãi suất cao hơn có xu hướng làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vốn không đem lại lợi suất. Trong khi đó, chỉ số đồng USD đã giảm 0,3% xuống mức thấp nhất trong 2 tháng. “Diễn biến giá vàng là khá thất vọng khi đồng USD giảm mạnh”, Ross Norman, một chuyên gia phân tích độc lập, chia sẻ.
Bản tin phái sinh 14/01/2022 - Tiếp tục rung lắc mạnh
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang