Quay lại

Ngày đăng: 12/01/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chứng khoán Mỹ khởi sắc khi Phố Wall dường như tìm được chỗ đứng sau một khởi đầu năm mới đầy khó khăn. Kết phiên, chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,41% lên 15.153,45 điểm, tiếp nối đà phục hồi vào phiên buổi chiều trước đó đã chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tiến 0,92% lên 4.713,07 điểm, còn chỉ số Dow Jones cộng 183,15 điểm (+0,51%) lên 36.252,02 điểm. Chứng khoán Mỹ đã có nhiều biến động vào đầu năm, khi lãi suất tăng gây áp lực lên chứng khoán. Tuy nhiên, lãi suất đã dịu lại vào ngày thứ Ba, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt mốc 1,75%. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã có phiên điều trần trước một Ủy ban Thượng viện vào ngày thứ Ba như một phần trong tiến trình tái cử. Ông Powell kỳ vọng một chuỗi cung ứng trở lại bình thường sẽ giúp xoa dịu áp lực lạm phát trong năm 2022, nhưng cho biết Fed sẽ không e ngại nâng lãi suất nhiều hơn dự kiến nếu lạm phát vẫn ở mức cao. “Nếu chúng tôi phải nâng lãi suất nhiều hơn, chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình để đẩy lùi lạm phát”, ông Powell chia sẻ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ có được báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế vào cuối tuần, với dữ liệu lạm phát công bố vào ngày 12/01 và báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng lớn công bố vào ngày 14/01.
  • Giá dầu tăng lên gần 84 USD/thùng, được hỗ trợ bởi nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng rằng sự gia tăng số ca nhiễm Covid cùng sự lây lan biến thể Omicron sẽ không cản trở đà phục hồi nhu cầu toàn cầu. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent tiến 3,52% lên 83,72 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2021. Hợp đồng dầu WTI cộng 3,82% lên 81,22 USD/thùng, cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2021. Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định: “Sự kết hợp của các dữ kiện – nhu cầu sẽ mạnh hơn dự báo và nguồn cung của OPEC có thể không tăng nhanh như nhu cầu – là lý do khiến giá dầu leo cao”. Chính phủ Mỹ cho biết trong dự báo đầu tiên của năm mới rằng sản lượng dầu thô tại Mỹ dự kiến tăng 610.000 thùng/ngày lên 12,41 triệu thùng/ngày trong năm 2023, thấp hơn mức dự báo 670.000 thùng/ngày hồi tháng trước. Tình trạng gián đoạn sản xuất gần đây ở Libya cũng hỗ trợ giá dầu và Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Libya vào ngày thứ Ba cho biết sẽ tạm dừng xuất khẩu từ cảng Es Sider. Đồng USD suy yếu cũng giúp hỗ trợ dầu bởi vì làm hàng hóa này trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người mua đang nắm giữ những đồng tiền khác và có xu hướng phản ánh khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cao hơn.
  • Giá vàng tăng 1% do USD yếu đi sau bài điều trần của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, trước Quốc hội đã không tạo ra bất kỳ bất ngờ nào về chính sách thắt chặt tiền tệ, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm cũng hỗ trợ giá vàng hồi phục. Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 1.819,58 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tháng 2 tăng 1,1% lên 1.818,50 USD. Trong phiên điều trần, ông Powell lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn đang tranh luận về các phương pháp tiếp cận để giảm bảng cân đối tài sản của Fed, đồng thời cho biết lạm phát đang vượt xa mục tiêu và "đó là một con đường dài" đối với bất cứ điều gì tương tự như chính sách thắt chặt. Sau bài phát biểu của ông, đồng USD giảm 0,4% so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm quay đầu giảm khỏi mức cao kỷ lục gần đây.
Bản tin phái sinh 12/01/2022 - Kỳ vọng nhịp hồi phục kỹ thuật
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang