Quay lại

Ngày đăng: 07/01/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chứng khoán Mỹ khép phiên đầy biến động với sắc đỏ sau đợt bán tháo mạnh cổ phiếu công nghệ trong phiên trước đó. Kết phiên, chỉ số Dow Jones rớt 170,64 điểm (-0,4%) xuống 36.236,47 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,1% xuống 4.696,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0,1% còn 15.080,86 điểm. Nasdaq Composite đã sụt 4% trong 2 phiên trước đó. Những cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất đã tăng 01 ngày sau khi biên bản cuộc họp tháng 12/2021 của Fed cho thấy ngân hàng trung ương đang sẵn sàng loại bỏ các biện pháp trợ lực kinh tế nhanh hơn dự kiến. Các quan chức Fed đã thảo luận về việc cắt giảm bảng cân đối kế toán trong một động thái nhằm thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng. Khi nhà đầu tư đón nhận biên bản cuộc họp vào ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tiến lên mức cao 1,75% sau khi kết thúc năm 2021 ở mức 1,51%. Kế hoạch của Fed là giảm bớt số lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ và các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp mà cơ quan này nắm giữ khi Fed đã thu hẹp chương trình mua trái phiếu và dự kiến sẽ nâng lãi suất sau khi động thái thu hẹp này kết thúc. Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Năm cho biết số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên 207.000 người trong tuần kết thúc ngày 01/01/2022, cao hơn so với dự báo 195.000 người từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Dữ liệu này được công bố 01 ngày trước báo cáo việc làm quan trọng của Bộ Lao động Mỹ, được dự báo sẽ cho thấy nền kinh tế tạo ra thêm 422.000 việc làm trong tháng 12/2021. Tuy nhiên, ADP vào ngày 05/01 báo cáo các doanh nghiệp đã tuyển dụng 807.000 vị trí việc làm trong tháng trước, cao hơn nhiều so với dự báo, báo hiệu khả năng gia tăng bất ngờ từ báo cáo việc làm vào ngày thứ Sáu (07/01).
  • Giá dầu tăng mạnh, nới rộng đà leo dốc từ phiên trước đó, do tình hình bất ổn leo thang ở thành viên sản xuất dầu Kazakhstan thuộc OPEC+ cùng sự gián đoạn nguồn cung ở Libya. Đóng cửa, hợp đồng dầu Brent tiến 1,19 USD (+1,5%) lên 81,99 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1,61 USD (+2,07%) lên 79,46 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều đang dao động ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021. Nga đã gửi lính nhảy dù vào Kazakhstan vào ngày thứ Năm để giúp dập tắt một cuộc nổi dậy trên toàn quốc sau khi bạo lực chết người lan rộng khắp nước này. Commerzbank cho biết: “Tình hình chính trị ở Kazakhstan đang trở nên căng thẳng hơn. Và đây là quốc gia hiện đang sản xuất 1,6 triệu thùng dầu/ngày”. Cho đến đây không có dấu hiệu nào cho thấy sản lượng dầu bị ảnh hưởng. Sản lượng dầu của Libya đã giảm hơn 500.000 thùng/ngày do bảo trì đường ống và đóng cửa mỏ dầu. Bên cạnh đó, giá dầu tăng bất chấp dự trữ nhiên liệu tại Mỹ nhảy vọt trong tuần trước. Dự trữ dầu thô tại Mỹ đã giảm trong tuần trước, còn dự trữ xăng vọt hơn 10 triệu thùng, mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, khi nguồn cung tăng ở các nhà máy lọc dầu do nhu cầu nhiên liệu giảm. Ngoài ra, biên bản cuộc họp của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể nâng lãi suất nhanh hơn dự báo đã gây áp lực lên các tài sản rủi ro như dầu.
  • Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất hai tuần áp lực bởi lợi suất kho bạc Mỹ tăng sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.788,25 USD/ounce, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/12. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 đóng cửa giảm 2% xuống 1.789,2 USD/ounce. Vàng có xu hướng không được nhà đầu tư ưa chuộng khi lãi suất tăng. Vàng và bạc bị áp lực giảm do thị trường bị ép theo đợt tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2022. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.
Bản tin phái sinh 07/01/2022 - Dao động trong biên độ hẹp
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang