Quay lại

Ngày đăng: 05/01/2022

Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới:

  • Chỉ số Dow Jones tăng phiên thứ 2 liên tiếp từ đầu năm 2022 khi nhà đầu tư đặt cược vào các loại cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ nền kinh tế vững mạnh trong năm nay bất chấp mối đe dọa từ biến thể Omicron. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu liên tục tăng vọt từ đầu năm mới đã khiến nhà đầu tư chuyển hướng khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ, làm Nasdaq Composite giảm điểm. Đồng thời, đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ như Nvidia và Tesla đã gây áp lực lên thị trường chung. Kết phiên, chỉ số Dow Jones tiến 214,59 điểm (+0,5%) lên mức đóng cửa cao kỷ lục 36.799,65 điểm và đạt kỷ lục mới trước đó trong phiên. Chỉ số S&P 500 cũng ghi nhận mức cao kỷ lục trong phiên, nhưng bị kìm hãm phần nào bởi đà giảm của cổ phiếu công nghệ. Khép phiên S&P 500 hạ 0,06% xuống 4.793,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,3% còn 15.622,72 điểm do nhóm cổ phiếu công nghệ sụt giảm. Nhà đầu tư trong tuần này đang kỳ vọng nền kinh tế có thể vượt qua làn sóng lây nhiễm mới nhất Covid, với số ca nhiễm vượt 1 triệu ở Mỹ. Sự lạc quan này đã thúc đẩy lãi suất và chia rẽ thị trường chứng khoán vào ngày thứ Ba.
  • Một nhóm các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã đồng thuận vào ngày thứ Ba (04/01) sẽ giữ nguyên kế hoạch nâng sản lượng dầu từ tháng 02/2022 khi những nhà đầu tư năng lượng cân nhắc tác động tiềm ẩn của sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã quyết định nâng mục tiêu sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng tới. Động thái này đã được nhiều kỳ vọng trước sức ép của Mỹ để tăng nguồn cung và không có những kiểm soát mới lớn vì Covid. OPEC+ đang trong quá trình nới lỏng cắt giảm nguồn cung kỷ lục khoảng 10 triệu thùng/ngày. Việc cắt giảm sản lượng kỷ lục được đưa ra vào tháng 4/2020 để hỗ trợ thị trường năng lượng sau khi đại dịch Covid làm giảm nhu cầu dầu thô. Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 1,1% lên 79,87 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1% lên 76,89 USD/thùng. Giá dầu đã leo dốc hơn 50% vào năm ngoái, với các nhà đầu tư năng lượng lạc quan rằng biến thể Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn lo ngại trước đó. Điều đó diễn ra bất chấp số ca nhiễm Covid ghi nhận mức cao kỷ lục mới, với Mỹ báo cáo số ca nhiễm kỷ lục mỗi ngày là hơn 1 triệu chỉ trong 24 giờ. Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo vẫn sẽ nghiêng theo những vấn đề địa chính trị năm 2022, với lo ngại về tình hình bế tắc dai dẳng giữa Nga – Ukraine và cuộc đàm phán hạt nhân Iran sẽ được OPEC+ theo dõi sát sao.
  • Giá vàng tăng do nhu cầu được thúc đẩy bởi lo lắng về số ca nhiễm biến thể Omicron tăng vọt có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.814,45 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 đóng cửa tăng 0,8% lên 1.814,6 USD/ounce. Vàng có xu hướng không được các nhà đầu tư ưa chuộng khi lãi suất tăng. Những lo ngại về lạm phát mới có thể ảnh hưởng tới thị trường trong thời gian tới và phá hoại nhu cầu các tài sản rủi ro do lợi suất trái phiếu có thể tiếp tục tăng.
Bản tin phái sinh 05/01/2022 - Tiếp tục kiểm nghiệm ngưỡng cản 1.560 – 1.563 điểm
© Copyrights 2000 - 2022 MBS, thành viên của Tập đoàn MB
Về đầu trang