Quay lại

Phương Thanh, nhân viên ngân hàng, sau vài tháng tìm hiểu đã quyết định mở tài khoản tại một công ty chứng khoán vào đầu năm 2020. Chị cũng như hàng trăm nghìn nhà đầu tư F0 đã góp phần tạo nên dòng tiền mạnh mẽ nâng đỡ thị trường và thiết lập nhiều kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong “năm Covid”.

Năm 2020, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới thiết lập kỷ lục, nhà đầu tư cá nhân mở mới hơn 392.000 tài khoản chứng khoán, hơn gấp đôi so với năm 2019. Riêng tháng 12/2020, số tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới vượt 60.000, cao nhất trong năm, tăng hơn 53% so với tháng 11 và cũng là mức cao nhất trong lịch sử của thị trường.

Chỉ số VN-Index, rơi xuống mức thấp nhất trong năm 2020 là 659,2 điểm vào ngày 24/3/2020, tương đương giảm 33,5% từ đỉnh ngày 22/1/2020, cũng đã hồi phục nhanh chóng và leo lên mức 1.103,87 điểm vào ngày 31/12/2020, tương ứng mức tăng 67,4% từ vùng đáy. Thanh khoản thị trường cũng tăng cao kỷ lục, đặc biệt là tháng giao dịch cuối cùng của năm, có nhiều phiên giao dịch 14.000 - 15.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường rất thuận lợi đó, nhà đầu tư Thanh cho biết, cuối năm 2019, chị mới lấy một căn hộ nên phải đi vay nợ. Nhờ thị trường chứng khoán 2020 quá thuận lợi, chị vừa giải quyết được khoản nợ, vừa tậu thêm một chiếc ô tô. Hiện Thanh đang nghỉ thai sản, nhưng chị tranh thủ vừa chăm con vừa theo dõi bảng điện tử để “kiếm tiền bỉm sữa”.

Khẩu vị chọn cổ phiếu của Thanh là doanh nghiệp phải có EPS, ROE cao, có lợi thế cạnh tranh riêng… và nhất định phải là doanh nghiệp thuộc ngành đang có dư địa tăng trưởng.

Chị cũng chịu khó tìm hiểu thông tin trên báo chí, đọc báo cáo phân tích cổ phiếu của các công ty chứng khoán, sau đó tổng hợp lại để có thêm góc nhìn và đưa ra nhận định của riêng mình. Chị tập trung vào cổ phiếu ngành thực phẩm thiết yếu, y tế, tránh xa cổ phiếu hàng không, du lịch… Thanh sử dụng phân tích kỹ thuật để bám theo dòng tiền.

Thanh “ôm” các cổ phiếu TCM, DBC, HPG… và tiến hành chốt trước khi thiên hạ để ý. Nhờ phương pháp như vậy, phiên sụt giảm mạnh 19/1/2021 vừa qua, Thanh bảo không bị ảnh hưởng, thậm chí còn đủng định lựa chọn cổ phiếu bị sàn 2 - 3 phiên.

Thanh chỉ là một trong rất nhiều trường hợp nhà đầu tư F0 có phương pháp bài bản, nên dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng có thành tích đầu tư tốt. Nhiều mã cổ phiếu, gồm cả bluechip, đến penny… có mức tăng giá vài chục đến vài trăm phần trăm trong 9 tháng còn lại của năm 2020, thiết lập các đỉnh giá mới.

Nhưng, phần thưởng không dành cho tất cả mọi người.

Khi thị trường tăng cao, sức hút đối với người dân càng lớn, khiến dòng tiền cuồn cuộn đổ thêm vào thị trường trong tháng 12 – giai đoạn mà thị trường nỗ lực vượt mốc lịch sử 1.200 điểm chưa thành. Điều này đồng nghĩa có thêm một lớp nhà đầu tư mới toanh khác tham gia thị trường và mua cổ phiếu ở mức giá rất cao so với các thời điểm khác trong năm 2020.

Mỹ Châu, là nhà đầu tư đất nền ở khu vực Bình Dương, ưa thích các vị trí đất nền quanh các khu công nghiệp để một mặt vừa đầu tư phòng trọ cho công nhân thuê, vừa mua đi bán lại sang tay ăn chênh lệch giá. Nửa đầu năm 2020, thị trường bất động sản khu vực này ảm đạm, Châu gần như ngồi chơi không, từ quý III rục rịch hơn một chút.

Nghe thông tin đánh chứng khoán đang thắng lớn, Châu cũng trích 2 tỷ đồng, mở tài khoản tham gia theo lời khuyên của nhóm bạn chơi chung. Khác với Thanh, Châu và nhóm bạn hoàn toàn lạ lẫm với thị trường chứng khoán.

Mua bán theo tư vấn của bạn bè và môi giới, không tìm hiểu doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề, lĩnh vực nào, không biết tài khoản đang sử dụng lượng tiền margin bao nhiêu và dĩ nhiên chỉ biết xem bảng điện cứ xanh là tăng, đỏ là giảm, trần là tím và sàn là “xanh màu trời”.

Những cô bác trung niên đã về hưu ở khu vực miền Tây, vốn chỉ quanh quẩn nhóm nhỏ “góp hụi” cho vui, nay cũng rút hụi để mở tài khoản tham gia chứng khoán. Nhiều anh tài xế xe ôm nay có thêm việc canh bảng điện tử để “đánh chứng khoán”.

Chỉ vừa mới tham gia thị trường chưa đầy một tháng, Châu và nhóm bạn có một phen xanh mặt với phiên biến động dữ dội của thị trường 19/1/2021, xuất hiện bán tháo và sàn la liệt.

“Tài khoản đang lãi mười mấy phần trăm bay sạch, có lúc còn bị lỗ. May phước phiên thứ 3 hồi phục lại và do còn tiền mặt nên cũng mạnh dạn theo tư vấn, mua thêm cổ phiếu có sẵn trong danh mục để hạ giá vốn”, cô kể.

Thua lỗ chưa xảy ra với nhóm nhà đầu tư này, nhưng ít nhất, vài phiên như vậy cũng khiến các nhà đầu tư chưa trải nhiều kinh nghiệm thị trường nhận ra thị trường chứng khoán không “dễ ăn”.

Nặng nề hơn, đã có những nhà đầu tư chỉ mới vừa rút tiết kiệm, mở tài khoản và mua ngay trong phiên 17 - 18/1, hàng chưa kịp về tài khoản thì phiên 19/1 đã bốc hơi 7 - 20%.

Nhiều môi giới chia sẻ, khách hàng của họ, nghe theo bạn bè, mặc sự can ngăn của môi giới, vẫn giải ngân ở giá cao, đã thực sự hoảng loạn, lo lắng mất ăn mất ngủ trong các phiên giảm mạnh vừa qua. Và lớp nhà đầu tư như thế này rất nhiều.

Theo ghi nhận của người viết, thậm chí những cô bác trung niên đã về hưu ở khu vực miền Tây, vốn chỉ quanh quẩn nhóm nhỏ “góp hụi” cho vui, nay cũng rút hụi để mở tài khoản tham gia chứng khoán. Nhiều anh tài xế xe ôm nay có thêm việc canh bảng điện tử để “đánh chứng khoán”.

Trong số nhà đầu tư này, có người thắng, vì lãi vừa đủ là được, có người thót tim vì tài khoản suýt lỗ, cũng có người đang phải gồng mình lên để tìm lại những gì đã mất khi trót đầu tư nhầm hàng.

Chia sẻ của một nhà đầu tư đang nếm thương đau cho biết, anh vừa mở tài khoản hồi cuối năm 2020 và một trong những cổ phiếu quyết định mua TDT, với lý lẽ khi mua là “nghe bạn bè bảo cổ phiếu dệt may tăng tốt, chỉ mỗi con này chưa tăng”.

Mức giá nhà đầu tư này mua TDT là giá trần 20.100 đồng/cổ phiếu trong phiên 8/1/2021, khi nhìn thấy các phiên trước tăng tốt. Thế nhưng, cổ phiếu này chỉ tăng thêm được 2 phiên tiếp theo là chuỗi ngày giảm sàn chiếm ưu thế. Tính đến 25/1, TDT đã rơi về 13.900 đồng/cổ phiếu. Tính từ lúc mua đến ngày này, nhà đầu tư đã bốc hơi 29% tài khoản.

Lắng nghe các câu chuyện của các nhóm nhà đầu tư, điểm đáng buồn là hầu hết nhà đầu tư thảo luận với nhau chủ yếu là biến động giá cổ phiếu, thay vì những thông tin về tình hình kinh doanh, triển vọng của doanh nghiệp - yếu tố sẽ quyết định chính về xu hướng tăng giá cổ phiếu bền vững.

Điều này cũng có một phần dễ hiểu, khi hiện nay, không ít nhà đầu tư F0 đang xem thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư “tạm thời”, khi các kênh đầu tư khác đang gặp khó, mà chưa ghi nhận là nơi huy động vốn cho nền kinh tế, nơi kết nối cơ hội đầu tư cũng như giữ tài sản.

 

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang