Quay lại

Thị trường đã có cú đảo chiều khá ngoạn mục ngày cuối tuần trước và cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7 sau nửa đầu năm 2022 giảm sâu. Mặc dù điểm tiếc nuối là thanh khoản vẫn ở mức thấp nhưng cú hồi mạnh mẽ gần 30 điểm từ vùng 1.170 điểm khiến nhà đầu tư kỳ vọng ngưỡng 1.160-1.170 là vùng đáy của thị trường.

Bên cạnh đó, sự trở lại của nhóm cổ phiếu trụ cột chính là ngân hàng và chứng khoán củng cố thêm niềm tin về đà hồi phục của thị trường.

Theo nhận định của CSI, trên biểu đồ tuần cũng đã xuất hiện thân nến xanh điểm, hình thành mẫu hình nến đảo chiều (Bullish Harami) sau 3 tuần giảm điểm liên tiếp trước đó. Với những tín hiệu khá lạc quan, cộng với kết quả tăng trưởng GDP ấn tượng trong quý II (tăng 7,72% so với cùng kỳ năm ngoái) thì nhịp hồi phục kỹ thuật khả năng cao sẽ tiếp diễn trong tuần tới, kéo Vn-Index hướng tới ngưỡng kháng cự 1.263-1.280 điểm.

Quay trở lại diễn biến phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 4/7, mặc dù dòng tiền vẫn tham gia khá dè dặt nhưng sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử với các nhóm ngành lớn đều giữ nhịp tăng, đã giúp VN-Index dễ dàng vượt mốc 1.200 điểm ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, chính vì lực cầu yếu nên chỉ số chung khó tiến xa và chỉ duy trì đà tăng nhẹ. Sau hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index diễn biến lình xình quanh mốc 1.205 điểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục là điểm sáng của thị trường. Các mã chứng khoán đua nhau tăng tốc mạnh và thời điểm này HCM tăng kịch trần cùng lượng dư mua trần khá lớn; VCI, AGR và VIX cũng có thời điểm khoe sắc tím và hiện đang tăng hơn 5,5%, BSI tăng 5,1%; VND và SSI tăng trên dưới 4% với khối lượng khớp lệnh trên dưới 10 triệu đơn vị…

Thị trường vẫn chưa gỡ được “chốt chặn” 1.200 điểm trong phiên sáng đầu tuần do áp lực bán gia tăng về cuối phiên. Trong đó, diễn biến phân hóa mạnh của thị trường nói chung và nhóm bluechip nói riêng đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 226 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,52 điểm (+0,04%) lên 1.199,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 229 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 4.913 tỷ đồng, giảm 10,5% về khối lượng và 11,2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 1/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 8,68 triệu đơn vị, giá trị 260,64 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kết phiên giảm nhẹ hơn 0,57 điểm với việc ghi nhận 12 mã tăng và 15 mã giảm. Trong đó, đại diện nhóm cổ phiếu chứng khoán là SSI vẫn dẫn đầu khi chốt phiên tăng 3,6% lên 20.400 đồng/CP; còn lại các cổ phiếu khác chỉ có mức tăng trên dưới 1%.

Ngược lại, cặp đôi bán lẻ là PNJ và MWG có mức giảm sâu nhất trong nhóm bluechip khi cùng để mất 2,1%, còn lại VRE, HPG, VIC, NVL… giảm dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm đáng chú ý là HAG, lực cầu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu kéo trần thành công với thanh khoản cao. Chốt phiên sáng nay, HAG tăng 7% lên mức 9.520 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu toàn thị trường, lên tới 20,33 triệu đơn vị, tăng vọt so với thanh khoản của các phiên sáng gần đây và vượt xa mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây (đạt chưa tới 14 triệu đơn vị).

Xét về nhóm ngành, dù có hạ nhiệt theo xu hướng chung của thị trường nhưng nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là nhóm tăng tốt nhất với sắc xanh phủ gần kín toàn ngành, chỉ trừ 2 tên tuổi nhỏ giao dịch trên UPCoM là HBS và WSS.

Các mã trong nhóm chứng khoán tăng tốt trên HOSE như HCM tăng 6%, VCI tăng 5,2%, AGR tăng 5,1%, VIX tăng 4,5%, BSI tăng 4,2%, CTS tăng 3,4%, VND tăng 3,2%... Trong đó, VND và SSI vẫn thuộc top 3 thanh khoản tốt nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 16,4 triệu đơn vị và 14,46 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa. Trong đó, đáng chú ý là VIB vẫn duy trì đà tăng tốt sau thông tin có thể thay thế PNJ trong rổ VN30. Chốt phiên, VIB tăng tốt nhất ngành với mức tăng xấp xỉ 4%, lên mức 23.650 đồng/CP. Các cổ phiếu còn lại trong ngành diễn biến phân hóa nhẹ với mức tăng giảm chủ yếu trên dưới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu thép cũng trở nên rung lắc sau tín hiệu tích cực đầu phiên với HPG và NKG giảm nhẹ, trong khi HSG, TLH, SMC xanh nhạt.

Các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản, bảo hiểm, công nghệ và thông tin, vận tải kho bãi… cũng có diễn biến phân hóa nhẹ.

Trên sàn HNX, thị trường thu hẹp đà tăng về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 70 mã giảm và 84 mã tăng, HNX-Index tăng 1,8 điểm (+0,64%) lên 280,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 30,63 triệu đơn vị, giá trị hơn 499 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,67 triệu đơn vị, giá trị hơn 34 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 vẫn đóng vai trò là điểm tựa chính của thị trường dù phong độ giảm sút. Trong nhóm chỉ có 4 mã giao dịch trong sắc đỏ với NVB giảm 2,9% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 30.100 đồng/CP; còn NDN, TIG và DDG giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Ngoài ra, có 7 mã lùi về mốc tham chiếu, còn lại là 18 mã tăng, với sự dẫn dắt thuộc về nhóm chứng khoán, đó là MBS tăng 5,1% và SHS tăng 4,1%.

Một số mã lớn khác cũng chốt phiên khởi sắc như HUT tăng 3%; IDC, PVS và THD cùng tăng 1,6%, CEO tăng 1,1%...

Bên cạnh cặp MBS và SHS, các mã khác trong nhóm chứng khoán trên sàn HNX cũng đóng góp tích cực cho ngành như ART tăng kịch trần, APS tăng 2,2%, VIG tăng 1,6%...

Trong đó, cổ phiếu SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với gần 4,57 triệu đơn vị, ART thuộc top 5 khi khớp 2,53 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cùng thuộc họ FLC, cổ phiếu KLF cũng như AMD đã tạm dừng chân phiên sáng nay ở mức giá trần. Chốt phiên, KLF tăng 9,7% lên 3.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua KLF, đạt hơn 3,68 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,41 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng cuối phiên đã khiến thị trường đảo chiều điều chỉnh.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 881, điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 13,84 triệu đơn vị, giá trị hơn 260 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,91 triệu đơn vị, giá trị 2615,56 tỷ đồng.

Sau 3 phiên liên tiếp mất điểm, cổ phiếu dầu khí BSR đã có được sắc xanh, tuy nhiên mức giá tạm chốt phiên sáng nay vẫn thấp hơn mức giá đóng cửa ngày cuối tuần trước (1/7). Cụ thể, chốt phiên sáng, BSR chỉ tăng 0,7% lên 27.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 4,15 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo là thanh khoản là cặp VHG và SBS chốt phiên tăng trên dưới 2,5% với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,68 triệu đơn vị và 1,14 triệu đơn vị.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang