Quay lại

Cổ phiếu “vua” điều chỉnh

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi lên từ vùng trên 1.370 điểm vào tháng 4-6 và đầu tháng 9, thanh khoản thị trường ngày càng tăng, việc lựa chọn mua mã cổ phiếu cũng đơn giản hơn, có thời điểm cứ mua cổ phiếu ngân hàng là có lời, dù có đu trần. Thế nhưng, gần đây, cổ phiếu được mệnh danh là “vua” lại có nhiều phiên điều chỉnh, dòng tiền rời khỏi nhóm ngân hàng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về tính hấp dẫn của nhóm cổ phiếu này.

Nhiều mã cổ phiếu như STB, EIB, LPB, ACB, BID, CTG, MBB, VIB, TCB... đã có mức giảm giá 5-6%. Theo đó, STB chỉ còn quanh vùng 26.700 đồng/cổ phiếu; ACB là 31.000 - 32.000 đồng/cổ phiếu; MBB 28.300 đồng/cổ phiếu; LPB 22.5500 đồng/cổ phiếu...

Hiện giá cổ phiếu của các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa đang giao dịch trên sàn UpCom (PGB, VBB, SGB, VAB, BVB) chỉ trên dưới 20.000 đồng/cổ phiếu, thay vì đạt đỉnh 26.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 6-7/2021. Mã KLB từng “làm mưa, làm gió” trên sàn UpCoM khi gần chạm ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu, nay chỉ còn hơn 24.500 đồng/cổ phiếu... Nhiều mã cổ phiếu “vua” niêm yết trên HoSE, HNX cũng trong xu hướng giảm trước áp lực chốt lời. 

Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu “vua” giảm là sự “pha loãng” khi lượng cung được bổ sung lớn từ việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, phát hành thêm. Theo thống kê, trong tổng số 102.600 tỷ đồng phát hành vốn mới của toàn bộ doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, các ngân hàng chiếm đến 21,4%. Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, thì tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của các ngân hàng tăng chỉ 4,6%, dù lợi nhuận năm nay dự kiến tăng 23,8%.

Đáng chú ý, tác động của làn sóng Covid-19 thứ tư lên hoạt động ngân hàng ngày càng rõ nét hơn. Đà tăng trưởng lợi nhuận của ngành được dự báo sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021, do các ngân hàng đều đã ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong nửa đầu năm. Hơn nữa, việc các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn gần đây có tác động tích cực ở góc độ cải thiện năng lực vốn, quy định về quản trị rủi ro, nhưng cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá.

Vẫn chưa hết triển vọng

Các chuyên gia của MBKE cho rằng, không bi quan về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng trước yêu cầu giảm lãi vay của NHNN. Tuy nhiên, cổ phiếu của một nửa tổng số ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng nhỏ và vừa đã bước vào vùng định giá cao sau khi tăng mạnh kể từ đầu năm, nên sự điều chỉnh xảy ra là khó tránh.

Ông Phan Dũng Khánh, Chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, “sóng” cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu từ cuối năm 2020 và kéo dài đến đầu tháng 7/2021. Đà giảm của các cổ phiếu ngân hàng gần đây không phải là dấu hiệu suy yếu đầu tiên, nhưng đợt sóng mới phụ thuộc vào yếu tố thời gian, việc kiểm soát dịch bệnh…

Đà tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng được SSI nhận định sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021, do các nhà băng đều đã ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm và đang hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN về việc giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng vẫn sẽ đạt khoảng 13% trong năm nay, sang năm 2022 có thể đạt 21%, cao hơn mặt bằng chung doanh nghiệp niêm yết.

Đánh giá về tăng trưởng 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng, giới phân tích tài chính cho rằng, sẽ không còn quá nóng so với nửa đầu năm, song triển vọng tích cực được dành cho năm 2022. Điểm đáng chú ý là cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Một số chỉ tiêu của ngân hàng mà nhà đầu tư có thể căn cứ để đánh giá trước khi quyết định là tỷ lệ ROE, NIM, NPL (nợ xấu).

VNDirect cho rằng, giá cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh 15% so với mức đỉnh và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay. Nhưng nhóm cổ phiếu này là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Do đó, thị trường chủ yếu kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận năm 2022.

Others

View More
© Copyrights 2000 - 2021 MBS, a member of MB Group
Về đầu trang